THUYẾT TIẾN HÓA
- Nội dung phát hiện: các loài trải qua các quá trình tiến hóa lâu dài có thể tận dụng được triệt để môi trường xung quanh. Loài nào thích nghi tốt nhất được với môi trường thì loài đó sẽ tồn tại được một cách tốt nhất.
- Người phát hiện: Charles Darwin.
Tại sao thuyết tiến hóa lại có tên trong 100 phát hiện khoa học vĩ đại nhất?
Thuyết tiến hóa cùng quan điểm kẻ thích nghi được mới có khả năng sinh tồn của Charles Darwin là phát hiện quan trọng nhất và cơ bản nhất của lĩnh vực sinh vật học và sinh thái học hiện đại. Phát hiện này đã ra đời được hơn 150 năm, nhưng nó vẫn là chiếc chìa khóa quan trọng giúp chúng ta lý giải lịch sử và sự tiến hóa của các loài động thực vật.
Phát hiện của Charles Darwin đã giải đáp được vô số các thắc mắc của các nhà nhân loại học và hóa thạch học. Phát hiện đó được hình thành trên cơ sở của sự phân tích về nhiều loài chính phụ khác nhau được phân bố rộng rãi trên trái đất. Mặc dù phát hiện Charles Darwin đã dẫn đến không ít sự tranh luận và phản đối nhưng suốt trong thời gian 150 năm qua, nó đã được chứng thực bởi rất nhiều những số liệu khoa học. Công trình của Charles Darwin đã nổi danh khắp thời đại của ông và ngày nay nó vẫn được đông đảo độc giả đón nhận.
Thuyết tiến hóa đã được hình thành như thế nào?
Năm 1827, Charles Darwin vào học trường đại học Cambrige để chuẩn bị trở thành một mục sư, thế nhưng sau đó ông lại chuyển sang lĩnh vực địa chất học và sinh vật học. Ông tốt nghiệp năm 1831, ở vào tuổi 22 trên cương vị là nhà tự nhiên học, Charles Darwin lên con tàu”Chó săn nhỏ”(Beagle) của Hải quân hoàng gia Anh, con tàu xuất phát từ Anh đi về hướng Nam Mỹ và Thái Bình Dương.
Lịch trình dự tính của tàu Beagle là ba năm nhưng lại kéo dài đến năm năm. Ở những nơi con tàu đi qua đều có rất nhiều loài vật phong phú với nhiều chủng loại, điều đó đã khiến cho Charles Darwin vô cùng thích thú. Tàu của họ đã dừng lại một thời gian ngắn ở quần đảo Galapagos, cũng chính tại đây, sự ngạc nhiên của Charles Darwin đã cho ra đời một phát hiện mới.
Hòn đảo đầu tiên trong một loạt các đảo mà Charles Darwin đã đặt chân đến là đảo Chatham. Tại đây ông đã phát hiện ra hai loài rùa đã bị tuyệt chủng, một loài cổ dài ăn lá cây và một loại cổ ngắn ăn các thực vật sống trên đất liền. Ông còn phát hiện thêm bốn loài sẻ mới (loài sẻ có lông vàng thường gặp ở nhiều nơi tại khu vực châu Âu) nhưng mỏ của loài sẻ này lại có hình dáng khác so với các loài ở châu Âu.
Tháng 10 năm 1835, con tàu Beagle đến hòn đảo thứ ba có tên James thuộc quần đảo Galapagos. Nơi đây nằm đúng xích đạo nên mỗi ngày và mỗi mùa đều như nhau và không có bất kì sự thay đổi nào.
Hàng ngày Charles Darwin đều khoác ba lô lên bờ thám hiểm, trong ba lô của ông có ống lon, túi thu thập mẫu vật, sổ tay ghi chép lại những hình vẽ, bẫy kẹp và lưới dùng để săn bắt. Những nơi mà Charles Darwin đặt chân đến khiến người ta rợn người, những dòng dung nham đen cứng và giòn nơi hoang dã tạo ra những lớp sóng lớn, địa hình thì mấp mô khúc khuỷu, bước chân lên đó nghe rõ cả tiếng rộp gãy của dung nham. Dưới những khe nứt là hơi khí bốc lên, từng luồng khí độc màu vàng trào ra từ những khe sâu của tầng đá đã cản trở bước chân của Charles Darwin. Trên bề mặt dung nhan là những lùm cây thấp, chúng bị mặt trời thiêu đốt thành màu đen ngòm, khắp nơi đều thấy cảnh chết chóc.
Charles Darwin tìm đến một rừng cây nhỏ, trong rừng tiếng chim hót líu lo không ngớt. Tại đây ông đã phát hiện ra loài sẻ thứ 10 và 14. Mỏ của loài sẻ này to và tròn hơn các loài mà ông đã gặp trên những hòn đảo khác nhưng đáng chú ý hơn cả là loài sẻ này lại ăn những quả mọng nhỏ.Tất cả các loài sẻ ở khắp nơi trên trái đất đều ăn hạt nhưng loài sẻ trên đảo này có một số ăn hạt và một số ăn quả mọng. Điều khiến cho Charles Darwin thực sự kinh ngạc là hình dạng mỏ của mỗi loài sẻ đều hoàn toàn phù hợp với loại thức ăn ưa thích của chúng.
Charles Darwin bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về giáo lý của đạo Cơ đốc, giáo lý đó giảng rằng Thượng đế tạo ra muôn loài có hình dạng riêng biệt khác nhau và hình dạng đó là mãi mãi không bao giờ thay đổi. Charles Darwin suy luận rằng trước đó rất lâu, chỉ có một loài sẻ từ Nam Mỹ bay đến vùng quần đảo Galapagos này và sau đó bay sang các đảo khác nhau và chúng dần thích nghi (tiến hóa) với loại thức ăn đặc thù trong một môi trường đặc thù nào đó và chúng đã tồn tại được. Charles Darwin đã đưa phát hiện đó vào trong tác phẩm nổi tiếng của ông Chuyến đi biển của nhà tự nhiên học trên con tàu Beagle.
Sau khi trở về Anh, Charles Darwin bắt đầu đọc tập luận văn của nhà kinh tế học Thomas Malthus. Malthus công bố rằng nếu như con người không sản xuất ra đủ lương thực thì những kẻ yếu nhất sẽ bị đói, bị chết vì bệnh tật hoặc mất mạng vì tranh cướp; chỉ có kẻ mạnh mới có thể sinh tồn. Charles Darwin cho rằng quan điểm này cũng áp dụng được với thế giới động vật.
Ông đem quan điểm đó kết hợp với những quan sát và trải nghiệm của bản thân trên con tàu Chó săn Beagle và ông rút ra kết luận: tất cả các loài đều phải tiến hóa để đảm bảo cho sự sinh tồn tốt hơn, ông gọi hiện tượng này là sự sàng lọc của tự nhiên.
Charles Darwin là người hay ngại ngùng và kín đáo cho nên nhiều năm sau đó ông vẫn không công bố phát hiện cảu mình. Các nhà tự nhiên học khác cuối cùng đã thuyết phục được ông viết và cho xuất bản tác phẩm nguồn gốc muôn loài. Phát hiện của Charles Darwin cùng thuyết tiến hóa đã trở thành ngọn đèn soi đường dẫn lối cho ngành sinh vật học.