Đối với loài chim, không có kính lục phân, nhưng đồng hồ chính xác thì đã có sẵn trong cơ thể. Điều kỳ lạ, là chúng có thể vượt xa con người về trình độ tính toán, nếu như chỉ với những số đo ước lượng như thế, chúng cũng định được vị trí chính xác.
Krame đã thử làm một thí nghiệm: đem những con chim nuôi trong điều kiện ngày đêm nhân tạo. Sau một thời gian, cơ chế đồng hồ sinh vật bên trong chúng làm quen với chế độ mới, chẳng hạn, với chu kỳ ngày đêm 22 giờ, chứ không phải 24 giờ nữa. Quả nhiên khi đêm thả ra, chúng định hướng lầm lẫn lung tung. Đem đối chứng với những đồng bọn nuôi trong điều kiện ngày đêm nhân tạo dài 24 giờ, thì không xảy ra sự lầm lẫn nào. Rõ ràng là bằng một đồng hồ sai, chim đã xác định lầm vị trí mặt trời và tính ra những kết quả sai.
Thật khớ có thể tưởng tượng được rằng, một con chim nhỏ bé chưa hề học vỡ lòng về thiên văn và toán, lại có thể lập luận đại khái như sau:
“… Căn cứ theo đồng hồ sinh vật của ta, thì hiện nay mới sáng sơm. Thế mà vị trí mặt trời lại khá cao. Có nghĩa là, hoặc ta đan ở phía Nam, nơi mà lúc này mặt trời đang ở vị trí cao hơn; hoặc ta đã bay quá về phía Đông, nên thấy mặt trời mọc sớm hơn thường lệ…”
Rồi sau đó, dựa vào những mốc địa lý, nó còn phải xác định vị trí nơi định đến…
Nhưng, sự thật đã xảy ra như thế. Cách giải thích dễ chấp nhận nhất là loài vật có một khả năng trực giác nào đó, cho phép chúng xác định được vị trí theo mặt trời không cần đến những suy luận và tính toán dài dòng…
Và, nếu chúng đã có khả năng định vị theo mặt trời ban ngày thì hẳn cũng có khả năng định vị theo trời sao ban đêm?
Điều này đòi hỏi một “trình độ” cao hơn. Thử lấy ví dụ đối với giống vạc vùng Bắc Âu. Hàng năm, chúng thực hiện những chuyến bay dài về tận Phi châu trú đông, và chỉ trở về khi mùa xuân đến… Những bầu trời khi trở về đâu có giống với bầu trời lúc ra đi? Phải có những hiểu biết về thiên văn tối thiểu, mới biết điều chỉnh sự sai lệch đó mà tìm ra phương hướng. Ai dạy cho loài vạc cách tính như trên? Điều đáng chú ý, là ngay cả những con vạc con, bay một mình trong đêm tối cũng không hề lầm lẫn…
Những nhà tự nhiên học đã làm một thí nghiệm để kiểm tra lại giả thuyết. Họ đem nhốt những chú vạc bắt được trong những vườn thí nghiệm, mà quanh năm đều duy trì điều kiện thời tiết giống như mùa hè. Khi mùa thu tới, mặc dù không có gì thay đổi trong môi trường sống, nhưng cả bầy vạc bỗng xốn xao, nhảy nhót lung tung trong đêm. Hình như chúng đang thực hiện cuộc di cư tưởng tượng. Qua mùa di cư, mọi sinh hoạt lại trở lại bình thường, cho tới mùa xuân, lúc đàn chim di cư trở về, hiện tượng xốn xao lại tiếp diễn… Nghĩa là, một cơ chế đồng hồ bí mật bên trong những xon vật đã cho chúng khả năng cảm ứng được sự thay đổi mùa thiên văn một cách chính xác…
Thí nghiệm được tiếp tục theo một hướng khác… Bầy vạc được đưa vào một nhà chiếu hình vũ trụ, trong đó, bầu trời sao có thể xoay chuyển theo ý muốn. Quả nhiên khi thả ra, bầy vạc tìm ngay được đường bay theo hướng Bắc – Nam. Người ta bèn quay ngược bầu trời, để thay đổi vị trí các sao. Quả nhiên những con vật thí nghiệm cũng quay theo hướng mới: chúng đã lầm những ngôi sao giả là những ngôi sao thật…
Khả năng “xem thiên văn” không phải chỉ có ở loài chim mà ở nhiều loài vật nữa khác. Ở trên đã nói đến giống cá chình di cư ở vùng Bantích. Chúng đã định hướng cho cuộc hành trình căn cứ vào vị trí trời sao. Cả những côn trùng như ong, châu chấu, kiến, v.v… cũng vậy. Nhiều loài còn biết xác định vị trí mặt trời cả trong những ngày u ám nữa. Rất có thể, chúng không cần nhìn vào mặt trời, mà chỉ căn cứ vào độ nghiêng của tia nắng. Giả thuyết này đã được xác minh trong trường hợp giống chim nước ở Địa Trung Hải. Những con vật này đi kiếm ăn xa ngoài khơi, và ngay cả những ngày không có mặt trời, cũng tìm được hướng đi về tổ, không hề lầm lẫn.
Người ta cũng nghĩ đến một khả năng khác, là mắt loài vật có thể tinh tường đến mức độ nhận biết được cả những ngôi sao ban ngày. Nhiều giống kiến ở sa mạc đi kiếm ăn rất xa khỏi tổ, biết tìm đường về rất chính xác. Thế mà ở sa mạc thì làm gì có những mốc địa lý cho chúng định hướng. Chúng chỉ có thể xác định vị trí nhờ kết hợp cả vị trí mặt trời và trời sao.
Điều bí mật thế là cuối cùng đã tới lúc vén mở. Giả thuyết về cách định hướng theo thiên văn của loài vật đã được nhiều nhà bác học chấp nhận. Nhưng điều kỳ diệu của thiên nhiên là ở chỗ, làm sao trong những con vật nhỏ bé cả đến như loài kiến, cũng “trang bị” được đầy đủ cả hệ thống tính toán thiên văn phức tạp, mà nhiều khi đến người cũng còn lầm lẫn.
Có thể kể về một, trong muôn ngàn trường hợp đã xảy ra. Một máy bay bị trục trặc kỹ thuật, phải hạ xuống một địa điểm trên băng mạc Nam băng châu. Tín hiệu cấp cứu được phát đi… Nhưng không hiểu sao, tất cả những trạm khỏa sát ở khu vực lân cận lại không hề nhận được. Chỉ có một phi trường ở mãi Tân Calêđôni nghe rõ. Người ta vội cử ngay một máy bay cấp cứu… Mãy bay này lùng sục hàng giờ trên những tọa độ được chỉ dẫn, mà không sao phát hiện ra nơi xảy ra tai nạn…
Mãi sau, mới biết là vì bão từ đã làm nhiễu loạn các sóng vô tuyến. Và ở Tân Calêđôni, khi xác định tọa độ máy bay rơi, người ta đã lầm lẫn 8 giờ sáng thành 8 giờ tối. (Trong mùa hạ ở Nam cực, có những thời kỳ ngày rất dài, hoặc mặt trời không hề lặn). Vì lầm lẫn về thời gian, nên tọa độ xác định cũng sai…
Trong thời đại hiện nay, khi giao thông vận tải đã phát triển tới những tốc độ cực cao, và khoảng cách cực xa, vấn đề định hướng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chỉ sai một ly là đi một dặm ! Thế mà ngay cả với những thiết bị hiện đại, những sai sót vẫn không thoát khỏi. Trong các máy bay trinh sát hiện đại, người ta đã phải trang bị thêm cả các máy tính điện tử, để xử lý các thông tin định hướng.
Giá như con người có được những thủ thuật của loài chim, thậm chí của loài ong, loài kiến thôi! Họ sẽ yên tâm, không còn sự những trận bão từ làm lệch kim la bàn hay nhiễu loạn sóng vô tuyến, họ sẽ khỏi mệt óc với những tính toán phực tạp dễ gây lầm lẫn.