Thứ Tư, tháng 9 19, 2012

Từ truyền thuyết về viên ngọc dã tràng (tt)

Bước sang lãnh vực các loài có vú, tiếng nói có một đặc điểm khác: theo các kết quả khảo cứu ở loài khỉ, người ta thấy các tín hiệu âm thanh được phát ra theo một mật mã xác định, mật mã này có thể giải bằng phương pháp điều khiển học. Giáo sư Giukin đã sử dụng nhiều phương tiện hiện đại vào việc nghiên cứu các loài khỉ khác nhau, trong những hoàn cảnh sống khác nhau, cho biết rằng bộ máy âm thanh của khỉ khác nhiều với người.

Do đó, chúng phát ra những “tiếng nói” phức tạp, nhiều tiếng tai thường không nghe thấy. “Từ điển” của loài vượn gồm 40 kiểu kết hợp âm thanh. Ví dụ khi thấy cần thận trọng, sợ bị sa lưới, con đầu đàn kêu lên “Ắc! Ắc! Ắc”. Bầy khỉ lập tức được báo động, nhớn nhác, chờ hiệu lệnh… Trường hợp cực kỳ nguy hiểm, thì chỉ một tiếng “Ắc!”. Thế là không cần chờ đợi gì nữa, cả bầy khỉ vội vã chạy biến. Còn khi khỉ mẹ chợt nhận thấy chú khỉ con lạc mất đâu, nó vội kêu “Ay!”. Thế là cả bầy cùng nối theo nhau kêu “Ay!” hệt như một cuộc điểm danh vậy… Theo các nhà nghiên cứu, “tiếng khỉ” phát âm không giống tiếng người. Ví dụ, trong tiếng “khôn”, khỉ phát âm chữ k rất nhẹ, và chữ ô rất rõ. Ngoài ra, còn những âm thanh không thoát khỏi miệng, không giống bất kỳ một âm từ nào của người, được tạo ra bởi răng và lưỡi. Những “tiếng” này sử dụng trong những trường hợp tiếp cận, âu yếm… Bằng 40 kiểu kết hợp ngôn từ như thế, loài khỉ có thể bay tỏ đủ mọi tình cảm, thông báo những hiệu lệnh cho nhau. Tất nhiên tình cảm của chúng cũng giản đơn, và những hiệu lệnh chỉ ngắn gọn, dứt khoát… Nó có những nghĩa đại loại như “Chú ý !” “nguy hiểm!” hoặc “Lại gần đây” “Đói, Đói !”, v.v…

Đi vào thế giới dưới nước… Điều đáng ngạc nhiên, trái với tưởng tượng của nhiều người trong chúng ta, thế giới dưới nước lại cực kỳ phong phú về âm thanh . Những câu ví như: “Câm như hến”, “Câm như cá chép” đúng là nên… vứt vào sọt rác. Vì loài cá cũng như nhiều loài sống dưới nước là những con vật “lắm điêu” nhất, “hay nói” nhất. Tiếng nói của chúng muôn hình vạn trạng.

Nhà thơ Hômerơ trong Trường ca Ođyt xê đã từng kể chuyện về tiếng hát du dương của bầy tiên ngư, như quyến rũ các thủy thủ theo mình về biển. Câu chuyện co0s thể bắt nguồn từ sự thật, là vùng Địa Trung Hải, có một loại cá biết… hát, tiếng hát khá du dương, trầm bổng. Nhà tự nhiên học Đắcuyn, trong tác phẩm “Nhật ký tàu Bigơn” cũng kể chuyện khi đi dọc bờ sông Uruguay (Nam Mỹ) ông đã nghe thấy bản đồng ca của các con cá Acmadô và Xôlebrơ, đột nhiên, máy thủy âm phát hiện những tiếng động cơ rất mạnh ở phía thẳng góc với mạn tàu. Thuyền trưởng vội ra lệnh báo động và báo cáo về bộ chỉ huy:

- Có những tiếng động kỳ lạ ! Có lẽ người Nhật vừa sử dụng một loại vũ khí mới…

Sau đó không lâu, cũng ở nơi này, câu chuyện lại tái diễn với một tàu ngầm Nhật Bản… Mãi sau người ta mới hiểu rằng tiếng ồn ào bí mật không phải tàu địch, cũng không phải tiếng thủy lôi, mà chỉ là tiếng… trò chuyện của một bầy tôm.

Các kết qsuar khảo sát cho thấy loài cá có nhiều tiếng nói rất khác nhau.

Cá mòi chẳng hạn, khi đang ăn, phát ra những tiếng lao xao hệt như tiếng lá xào xạc trong gió. Cá chép khi gặp nguồn thức ăn thì rít lên một cách khoái trá, báo hiệu cho đồng bọn. Tiếng nói của cá trích nghe dựa như tiếng sóng vỗ bờ. Một loài cá heo phát ra những tiếng eng éc, tựa heo kêu…

Loại cá “lắm điều” nhất trong số những loài cá biển, có lẽ là cá Hồng nương. Nó không lúc nào thôi gầm gừ, ộp oạp. Khi đánh lên một mẻ cá trong đó có nhiều con Hồng nương, chúng “la hét” ầm ĩ đến điếc tai ! Những con cá Hồng nương được thuần hóa nuôi trong bể kính, ỏn ẻn ngoan ngoãn khi ta vuốt ve, nhưng sẽ vung lên la lối nếu bị chòng nghẹo…

Một điều đáng chú ý là cá nói… có lúc. Chúng thường im bặt mỗi khi cảm thấy một sự nguy hiểm tới gần. Một vài loại cá chỉ hay trò chuyện vào đêm.
Qua những thí nghiệm, người ta xác định rằng loài cá sử dụng “tiếng nói” để biểu lộ… tình cảm. Như khi khiếp sợ, thì các âm thanh càng ầm ĩ. Khi tấn công kẻ địch, chúng gầm gừ, nghiến răng cót két như giận dữ.

Vào mùa đẻ trứng, mới đầu người ta thấy một vài cô cá “dậy thì ” lên tiếng… Rồi sau đó là cả một bản hòa ca náo nhiệt, chỉ tắt dần khi mùa đẻ trứng trôi qua.

Trong nhiều trường hợp, cá không “phát âm” bằng miệng, mà bằng nhiều phương pháp đặc biệt. Một số loài có cách phát âm từ bong bóng. Bong bóng siết chặt vào xương sống của cá bằng những cơ bắp rất nhỏ. Dao động của xương truyền cho bong bóng, bong bóng đóng vai trò hộp cộng hưởng, khiến đôi khi âm thanh phát ra như tiếng reo rắt của vĩ cầm. Loài tôm có bộ máy phát thanh bằng càng. Một giống tôm gọi là “tôm búng”, có càng lớn ở trong có một lỗ hõm được đậy bằng một nắp đặc biệt, từ đó phát ra những tiếng lốp bốp như tiếng mở nút chai. Loài tôm hồng thì “nói” bắng cách hút nước qua một ống sáo… Những con tôm nói chung đều ưa ồn ào. Chúng bép xép không lúc nào ngừng, và một bầy tôm đi qua có thể át cả tiếng động cơ chân vịt của tàu thủy.

Ngôn ngữ của loài có vú ở biển đạt tới trình độ cao hơn các loài khác. Như loài cá chiên, có thể la hét, gào thét như tiếng trẻ em, rít lên như tiếng vĩ cầm, hay ngân nga như tiếng chuông, thậm chí như tiếng đàn gõ với đủ mọi luyến láy, hoặc réo rắt như tiếng chim họa mi. Những thủy thủ đã từng gọi tên giống cá này là Hoàng yến biển. Cá voi có dải âm tần rất rộng, từ siêu âm cho tới ngoại âm. Đôi khi, nó rống lên như tiếng bò đực. Tiếng rống vang vọng tới những lớp sâu, khiến cho đồng loại từ những nơi xa có thể nghe tiếng. Nhà tự nhiên học Xumắc đã kể lại một trường hợp rất lý thú… Một lần, có một con tàu bị va phải đá ngầm ở bờ biển Pêru, nơi có rất nhiều cá mập hung dữ. Những thủy thủ vừa thả xuống cấp cứu thì đã thấy bóng dáng lũ cá mập đông đúc đang tiến lại gần. Đang khi nguy cấp, thì may sao, một chú cá heo hiện ra. Chú cá heo cứu tinh này, một mặt làm những động tác như báo hiệu cho mọi người bình tĩnh, mặt khác phát ra những hiệu lệnh bí ấn… Chỉ năm phút sau, từ rất xa, đã thấy hàng đàn cá heo nhận được hiệu lệnh cấp cứu, lao tới vun vút. Bầy cá heo nhanh chóng dàn thành trận tuyến, bao quanh con tàu đắm, bảo vệ cho những người bị nạn khỏi nanh vuốt của lũ cá mập. Chỉ khi việc cấp cứu đã hoàn thành, những chú cá hiệp sĩ ấy mới tản đi… Qua sự việc trên có thể thấy rằng loài cá có ngôn ngữ khá phong phú. Bằng “tiếng nói” chúng có thể thông tin từ xa, truyền đạt với độ chính xác rất cao những ý niệm về tầm cỡ nguy biến, khoảng cách và vị trí, cách bày binh bố trận… Những nhà ngư học còn khẳng định rằng nhiều loại cá “biết” trò chuyện tâm tình, “ca hát” để biểu lộ niềm vui sướng, “kêu khóc” khi không may lọt vào bẫy, “than thở” lúc gặp chuyện phiền muộn. Đáng tiếc rằng cho đến tận nay, hiểu biết của con người về “ngôn từ” của loài cá còn quá nghèo nàn. Trong một thí nghiệm, người ta cho ghi âm những tiếng nói của cá heo, rồi cho phát lại với tốc độ chậm hơn từ 2 đến 4 lần, thì thấy tiếng của cá heo rất giống tiếng người. Nghĩa là chỉ có tần số âm thanh cao hơn, còn về cấu trúc thì tương tự như nhau. Chẳng hạn, trong ngôn ngữ của cá heo có những âm tựa như “Ba”, “Bay”, “Ti”, “Pi”, nhưng tất nhiên ý nghĩa khác với ý nghĩa trong ngôn ngữ người…

Tóm lại, vấn đề đã rõ ràng là mọi loài vật lớn nhỏ, sống trên cạn hay dưới nước đều có tiếng nói riêng của chúng cả.

Những tiếng nói muôn hình muôn vẻ, diễn đạt bằng mọi hình thức phong phú mà trong nhiều trường hợp, tưởng như còn hoàn thiện hơn cả người. Chẳng hạn, rất có nhiều khả năng, có những giống vật biết cách truyền ý nghĩ, không cần đến âm thanh, điệu bộ cử chỉ hoặc ánh sáng. Trong một cuộc thí nghiệm ở Liên Xô, người ta đã thử cách ly những nhóm kiến trong những hộp bằng kim loại, mục đích là cắt đứt mọi trao đổi tin tức giữa chúng với nhau, vì kim loại sẽ hấp thu mọi sóng điện từ. Sau đó, thử kích động một nhóm. Ngay lập tức, các nhóm khác cũng xôn xao, tích cực đào bới tìm cách thoát khỏi nơi giam hãm. Hình như chúng đã “nghe” thấy tiếng gọi cầu cứu của lũ bạn bà hối hả chạy tới. Riêng một nhóm nhốt trong một hộp bằng chì, thì hoàn toàn không “nghe” thấy gì hết, vẫn hoạt động bình thường…

Phải chăng, như vậy là bầy kiến đã thông tin được với nhau bằng trực giác? Hoặc một loại sóng bí mật nào đó đã làm nhiệm vụ thay sóng aanthanh, và chỉ bị các tấm ngăn bằng chì hấp thu? Điều bí mật thú vị này đang tiếp tục được tìm hiểu, cùng với muôn vàn kỳ diệu khác trong thế giới loài vật…

Tới đây, ta có thể trở lại với câu chuyện Viên ngọc dã tràng. Đúng như điều đã hình dung qua câu chuyện huyền thoại, việc khám phá những ngôn ngữ của loài vật sẽ có những ứng dụng thực tế rất lý thú.

Một lần, tại một phi trường, người ta cho thử một loại động cơ mới cho may bay phản lực. Lạ sao, chỉ ít phút sau, khi tiếng động cơ vang lên, từ đâu không biết kéo đến hằng hà sa số chim trời, đậu kín cả sân bay. Những nhà sinh học được mời đến để tìm cách cắt nghĩa hiện tượng kỳ lạ ấy. Họ phát hiện ra rằng tần số của âm thanh phát ra từ động cơ phù hợp với tần số của một loài côn trùng, thức ăn ưa thích của loài chim. Sự trùng hợp tình cờ đó đã đánh lừa cả hàng ngàn vạn con chim háu ăn. Chắc chúng đã nhận được thông tin về một nguồn thức ăn béo bổ và dồi dào, và đổ xô tới. “Bản tin” hấp dẫn tới mức tuy biết là lầm, nhưng chúng cũng không chịu bay đi nữa… Đó là một trong muôn vàn ví dụ về phương pháp sử dụng tiếng nói của loài vật nhằm mục đích thu hút hay xua đuổi một số loài nào đó.

Chúng ta biết rằng hằng năm, sâu bọ, chim chóc đã gây bao nhiêu thiệt hại cho mùa màng. Ở Mỹ, đã đánh giá tổn thất do côn trùng gây ra cũng đã tới trên dưới 1 tỉ đô la mỗi năm. Ở Đức, chuột và bọ ngốn mỗi năm khoảng nửa tỉ mác. Riêng ở đồng bằng Sông Cửu Long, con số ước lượng về tổn thất do chim và chuột tới 1/3 trị giá mùa màng.

Việc diệt trừ tai họa chuột, bọ bằng các phương pháp hóa học vừa tốn kém, vừa nguy hại, lại không hiệu nghiệm. Nhưng nếu như ta biết tiếng nói của loài vật, thì vấn đề trở nên đơn giản. Có thể sử dụng những tín hiệu báo nguy, để xua đuổi những giống vật có hại nào đó, bảo vệ mùa màng trong một khu vực nghe đã vội chạy bán xới… Các phương pháp xua đuổi chim, muông, côn trùng cũng tương tự như thế. Còn có thể tạo ra những tiếng gọi hấp dẫn, như tiếng mái gọi trống, tiếng của côn trùng thức ăn, hoặc thậm chí cả những âm thanh ưa thích để thu hút các đối tượng vào một nơi nào đó, để vây bắt hoặc diệt trừ. Phương pháp này từ lâu đã được sử dụng vào nghề chài lưới. Ở các đảo nam Thái Bình Dương, khi cần gọi cá, thổ dân thường đứng ngập nửa người trong nước, vừa hát một giọng ca đều đều vừa dùng lòng bàn tay vỗ nhè nhẹ lên mặt nước. Bầy cá bị giọng hát quyến rũ kéo đến đông đặc đến mức chỉ cần dùng tay cũng bắt được.

Ở bờ biển Tân Ghinê, dân địa phương chế ra một thứ nhạc cụ đặc biệt làm bằng bốn vỏ sò ghép lại trên những thanh tre. Thứ nhạc cụ này phát ra thứ tiếng của …cá mập, khiến cho bọn cá mập kéo lại và trở nên rất hiền lành. Ngược lại, loài cá thu thì nghe tiếng nhạc này sợ hãi, tìm đường lẩn tránh. Bằng phương pháp tương tự, khi hiểu biết được tiếng nói của từng loài một cách đầy đủ hơn, người ta sẽ dễ dàng theo dõi được các đàn cá, “chọn” những con đúng tiêu chuẩn để dẫn vào lưới, hướng dẫn chúng đến những trại chăn nuôi, v.v… Nghề đánh cá chắc chắn sẽ tiến một bước rất dài.

Một ứng dụng khác của tiếng nói loài vật là trong việc dạy dỗ, huấn luyện… Sưa nay việc huấn luyện giống vật bằng hiệu lệnh thì đã thường. Nhưng những hiệu lệnh phát bằng tiếng người thì chỉ những con vật quen thuộc mới nghe được. Còn nếu như các bạn có dịp tới thăm trại thí nghiệm của giáo sư Kondrat Lôren – xơ, sẽ thấy một cảnh tượng kỳ thú. Nhà khoa học này đã biết cách “trò chuyện” với nhiều giống vật, bằng thứ tiếng của chúng. Chẳng hạn, khi nhà bác học ra lệnh bằng một câu sáu từ “Ca Ca Ca Ca Ca Ca”, bầy ngỗng hiểu ngay là ông bảo chúng đi tìm đám cỏ khác. Cũng bằng những thứ tiếng chim, tiếng mèo, tiếng vịt, tiếng chó, v.v… ông có thể nói đủ thứ, cũng như nghe hiểu ý của bất kỳ một con vật nào…

Lôrenxơ còn tiến hành một thí nghiệm thú vị nữa là dạy súc vật nói tiếng người. Chúng ta đều biết rằng, một số loài vật như vẹt, sáo có khả năng phát âm tiếng người rất sõi. Có con có thể học đến vài trăm từ, và nói hẳn một câu dài. Đặc biệt, nó có thể hiểu cả ý định truyền đạt. Ví dụ, khi con vẹt kêu lên “Nhà có khách !”. Nhưng nếu như chúng ta biết cả tiếng loài vật, thì sẽ dạy được chúng tốt hơn nữa. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong việc huấn luyện các giống vật biển. Ở trên đã nói tới trường hợp cá heo, có ngôn ngữ rất giống người. Xét về tiêu chuẩn thông minh, theo đánh giá của các nhà bác học, thì cá heo vượt trên tất cả mọi loài vật khác kể cả chó và tỏ ra không thua kém người là bao nhiêu. Như vậy, việc thiết lập một tiếng nói chung cho người và cá hoàn toàn cs thể thực hiện. Trong một thí nghiệm với chú cá Lili nổi tiếng qua những thử thách về trí thông minh, người ta đã đạt tới trình độ trao đổi được giữa người và cá một số khái niệm thông thường. Ví dụ, khi nói “Chào ! ”, cá cũng “chào ” lại. Khi tung cho cá hai chiếc bánh và đếm “Một ! Hai !” cá tiếp thêm “Ba”, ngụ ý đòi thêm cái thứ ba… Những nhà sinh học đang tiến hành các cuộc nghiên cứu tương tự hy vọng đạt đến mục đích huấn luyện được cả một đội ngũ những cá heo thông minh. Ai cũng biết, đại dương là cả một “thế giới” giàu có, kỳ lạ mà con người chưa bao giờ tiếp cận được tới. Họ không sống được tự do trong nước như loài cá, không lặn được quá những độ sâu nhất định. Thế mà hiện tại cũng như tương lai, biết bao nhiêu công việc đang cần sự có mặt của con người nơi đáy biển. Liệu có thể tìm kiếm những bạn tin cậy, giao phó những công việc đó không: ví dụ, thăm dò vùng đáy biển, lấy các mẫu đất đá sinh vật, sửa chữa những thiết bị hư hỏng, liên lạc trong nước, v.v… ? Rất có khả năng những chú cá heo thông minh sẽ sẵn sàng cộng tác với loài người, đảm đương một cách xuất sắc mọi việc giao phó. Điều cần thiết trước hết là phải có ngôn ngữ để truyền đạt mọi ý nghĩ.

Một vấn đề khác cũng rất thú vị, là một số giống vật có những trực quan rất nhạy bén, đến mức linh cảm được cả nhiều biến cố sắp xảy ra, thông báo cho nhau kịp thới để tránh trước mọi nguy hiểm. Ví dụ, khi một cơn bão sắp tiến tới, báo hiệu từ xa bằng nhiều sự thay đổi điện trường, từ trường hay những sóng vô tuyến cực ngắn hoặc cực dài mà con người ngay cả với những máy móc tinh vi cũng không thể nhận thấy, thì nhiều loại vật, côn trùng lại biết rất rõ. Chúng thông tin cho nhau bằng nhiều ngôn ngữ chính xác, “tính” trước được cả thời gian bão tới, ước lượng cả mức độ tàn phá… Chỉ cần hiểu được tiếng nói đó, những nhà khí tượng sẽ có thêm những căn cứ tin cậy, kết hợp với nhận biết của họ để đính chính những tiếng sót trong phương pháp dự báo thời tiết hiện nay. Ngoại dự báo thời tiết, còn có thể dự báo động đất, nước dâng, lũ lụt, mùa màng, v.v… cũng dựa vào những khả năng của sinh vật…

Cuối cùng, còn một vấn đề hấp dẫn là những phương thức truyền đạt “ tiếng nói ”. Bằng những điệu vũ như loài ong, bằng cách chạm râu như ở một vài côn trùng, bằng sử dụng những công cụ phát âm rất đa dạng như loài tôm cá, v.v… đều chưa phải những phương thức lạ kỳ nhất. Nhà bác học Kenlakhau (người Mỹ) khi nghiên cứu về tiếng nói của một loài côn trùng, nhận thấy chúng luôn luôn thay đổi thân nhiệt, ở mức độ cao hơn nhiệt độ không khí vài độ. Theo ông, thì “ tiến nói ” của chúng được truyền đạt bằng sự thay đổi nhiệt độ ấy, tức là thay đổi đặc tính của những sóng hồng ngoại phát ra. Những đồng loại của chúng “ nghe ” tiếng nói này bằng một hệ thống băng thông ăng ten. Thứ ngôn ngữ “hồng ngoại ” rất độc đáo này chắc còn chưa phải kỳ lạ nhất trong thế giới sinh vật. Người ta còn biết những ngôn ngữ bằng mùi, bằng điện trường, từ trường với khả năng diễn đạt khá phong phú và chính xác. Cũng không loại trừ trường hợp còn những ngôn ngữ bí mật khác, truyền đạt bằng những sóng vô hình đi xa và nhanh hơn âm thanh rất nhiều. Những bài học đó đang được con người tìm hiều, học tập nhằm mục đích cải tiến kỹ thuật thông tin hiện nay. Chỉ cần nêu lên một hình ảnh: con người mới phát minh ra điện tín, điện báo khoảng trên một thế kỷ nay; mới biết đến vô tuyến truyền hình từ ba bốn chục năm nay; mới tìm ra tia Lade khoảng hai chục năm nay… Nhưng thiên nhiên đã đi trước những sáng tạo của họ hàng vạn, hàng triệu năm, và đang còn giấu kín nhiều bí quyết… Học hỏi thiên nhiên chắc sẽ là con đường ngắn nhất để sáng tạo ra những kỹ thuật mới, nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và vật chất của con người.
nguồn: vnschool.net
Mục lục
Xem tiếp:  Chuyện thần thoại trong chiếc lá
  ABOUT ME
→ Xin chào! Tôi là Nguyễn Trương Minh Khuê, học sinh lớp 5C, năm học 2012-2013, trường Tiểu học Sông Cầu!
  CẢNH ĐẸP SÔNG CẦU
  LƯỢT XEM
  VUI CƯỜI
Support : Home | Môn Toán | Tiếng Anh | Môn Văn | Hình ảnh | Kiến thức | Đọc sách | Giải trí
Copyright © 2012. Góc học tập của Khuê - All Rights Reserved
Template Simple_ Powered by Blogger
Proudly powered by rockfan
Xem tốt nhất bằng trình duyệt Mozilla Firefox