Thứ Năm, tháng 10 04, 2012

Những câu hỏi vì sao? - Phần IV

21. Nói 'mặt trời mọc ở đằng đông' có đúng không?

Mặt trời mọc ở biển
Buổi sáng thức dậy, nhìn về phía đông, bạn sẽ thấy ông mặt trời đỏ ối từ từ mọc lên. Thế mà có người dám bảo rằng mặt trời không mọc ở phía đông! Không lẽ lại có chuyện như vậy?

Trước đây, người ta nghĩ trái đất phẳng, bầu trời tròn úp lên. Buổi sáng người ta thấy rõ ràng là mặt trời mọc lên ở phía đông, và lặn xuống phía tây vào buổi tối. Mắt người ta quen nhìn thấy thế, nên cũng quen miệng nói vậy thôi. Thực ra, trái đất hình cầu, quay quanh trục của nó, vì vậy mới có hiện tượng ngày và đêm. Phần trái đất hướng về phía mặt trời là ngày, phần bị che khuất là đêm.

Khi trái đất quay, góc nghiêng giữa mặt trời và mặt đất cũng lớn dần lên, vì vậy ta có cảm tưởng mặt trời "mọc" từ thấp lên cao. Cũng bởi vì trái đất quay về hướng đông, nên ta cũng thấy mặt trời "mọc" lên từ hướng đông. Đúng ra, chúng ta phải nói "trái đất quay về hướng đông, hướng về phía mặt trời". Nhưng nói vậy có lẽ dài dòng quá, nên người ta vẫn bảo "mặt trời mọc ở đằng đông". Tất nhiên, nói vậy là sai khoa học, nhưng người ta cũng mặc kệ.
22. Vì sao nước suối có thể nhô cao hơn miệng cốc?

Sức căng mặt ngoài làm giọt nước phồng lên
Nếu bạn đổ nước suối vào trong cốc, rồi bỏ nhẹ từng viên sỏi nhỏ vào, nước sẽ nhô cao lên khỏi miệng mà không tràn ra ngoài, cứ như là cốc được đậy bằng một nắp vô hình nào đó.

Các phân tử nước trên bề mặt đều hút nhau, giống như một nhóm người tay cầm tay nhau. Chúng co kéo nhau trên bề mặt, nên những phân tử đơn lẻ không dễ gì bị tách riêng ra. Đặc tính này còn gọi là sức căng bề mặt. Nhờ đó, chất lỏng nói chung có thể nhô cao hơn bề mặt cốc.

Khi nước lẫn tạp chất, sức căng bề mặt sẽ bị thay đổi. Nếu tạp chất là bọt xà phòng, sức căng bề mặt sẽ giảm. Ngược lại, nếu lẫn khoáng chất, sức căng bề mặt sẽ tăng lên. Nói chung, nước suối đều chứa một lượng khoáng chất nhất định, nên có thể dâng cao hơn mặt cốc khá nhiều, khiến ai cũng nhìn thấy được.
23. Vì sao một hạt quýt mọc lên nhiều mầm?

Thông thường người ta trồng quýt bằng chiết cành vì chúng duy trì được các đặc tính của cây mẹ
Một hạt bình thường chỉ có một phôi, nên chỉ mọc lên một cây. Còn những hạt chứa nhiều phôi như quýt, ắt sẽ mọc lên nhiều cây. Trong thiên nhiên, hạt đa phôi như quýt không nhiều. Nguyên nhân đa phôi là sự phân chia của các tế bào trứng, hoặc của các tế bào đã thụ tinh.

Trong điều kiện thường, quýt chỉ có một phôi được thụ tinh, gọi là phôi hữu tính. Những phôi còn lại do sự biến dạng của các vách tế bào trứng phát triển mà hình thành, không qua thụ tinh, gọi là phôi vô tính. Tuy nhiên ở quýt, dù hữu tính hay vô tính, phôi đều có khả năng nảy mầm và phát triển. Vì lẽ đó, khi gieo, một hạt quýt nảy lên mấy cây non.

Mặt khác, vì quýt có thể sản sinh được phôi vô tính, cho nên có khi cắt bỏ nhị đực hoặc bịt kín nhị cái, không cho cây thụ phấn, quýt vẫn có quả và hạt như thường. Cây chiết cành thường là vô tính, ít biến dị, giữ được đặc tính của cây mẹ. Ngược lại, cây mọc từ mầm hữu tính dễ bị ảnh hưởng của tác động ngoại cảnh, có thể là tốt hoặc xấu.
24. Không nghiêng người, đố bạn đứng dậy khỏi ghế!

Đứng lên cũng khá phức tạp đấy chứ
Bạn đang ngồi thẳng trên ghế, nếu nửa người phía trên không nghiêng về phía trước, hoặc hai chân không di động về phía đáy ghế, liệu bạn có thể đứng dậy được không? Có thể bạn sẽ nói: quá dễ. Nào, mời bạn thử một cái xem sao.

Thế nào? Không đứng dậy được à. Dù cho bạn có dùng hết sức mình cũng uổng công thôi. Vì sao vậy?

Vốn là khi đang ngồi, trọng tâm thân người ta rơi vào trên mặt ghế, trọng lượng con người do lực đỡ của mặt ghế cân bằng. Khi đứng dậy thì phần mông của bạn rời khỏi mặt ghế, lực đỡ trên sẽ mất đi. Thế nhưng trọng lực của thân người đối với hai chân mà nói thì lại hình thành một mô men lực, mô men lực này luôn làm người ta ngã xuống ghế. Nếu nghiêng nửa thân người trên về phía trước để cho đường thẳng đứng qua trọng tâm rơi vào hai bàn chân thì lực chịu đựng của mặt đất sẽ làm cho trọng lực cân bằng, người mới có thể đứng dậy được. Bình thường khi đang ngồi trên ghế, muốn đứng vậy chúng ta cũng phải làm như vậy. Chẳng qua là vì động tác này ta đã làm theo phản xạ một cách vô cùng thành thạo và nhanh chóng nên bạn không để ý mà thôi.
25. Tập luyện tay trái sẽ thông minh hơn

Viết tay trái theo tự nhiên có lợi cho sự phát triển trí tuệ
Người thuận tay trái nhanh nhẹn hơn hẳn người thuận tay phải. Theo thống kê, 15 em trong đội đấu kiếm Pháp thì có 8 em thuận tay trái. Một thời gian, già nửa các thành viên trong đội tuyển bóng bàn Trung Quốc không thuận tay phải... Không những hoạt bát hơn, nếu chịu khó luyện tập tay trái, bạn sẽ thông minh hơn đấy!

Não bộ chia thành 2 bán cầu: trái và phải. Mỗi bên có chức năng thiên về các hoạt động ở phía kia của cơ thể. Bán cầu trái chi phối phần lớn hoạt động của nửa phải cơ thể, có quan hệ đặc biệt với sự phát triển ngôn ngữ, gọi là "bán cầu ưu thế ngôn ngữ". Ở đây, các xung cảm giác tập hợp ở mức cao nhất để hình thành tín hiệu ngôn ngữ và khái niệm trừu tượng. Do đó, chức năng của bán cầu trái thiên về giai đoạn nhận thức lý tính, và hình thành tư duy trừu tượng.

Bán cầu não phải chi phối nửa bên trái cơ thể. Thông qua sự chỉnh hợp, các xung cảm giác tạo ra hình ảnh cụ thể về vạn vật, con người, không gian và thời gian. Do đó, bán cầu phải thiên về giai đoạn nhận thức cảm tính, gọi là "bán cầu ưu thế không lời".

Bán cầu não trái điều khiển tay phải, bán cầu não phải điều khiển tay trái. Nếu ta vận động tay (nhất là ngón tay), ta có thể kích thích tế bào não ở khu vực nhất định, làm cho não phát triển. Điều đó có nghĩa là, nếu người nào thường dùng tay phải, não trái sẽ phát triển hơn, và ngược lại.

Quá trình từ thị giác tới phản ứng ở người thuận tay phải và tay trái có khác nhau. Ở người thuận tay phải, đường nối thần kinh có dạng: "bán cầu não phải - bán cầu não trái - tay phải". Ở người thuận tay trái: "bán cầu não phải - tay trái". Rõ ràng, thông tin từ thị giác đến động tác ở người thuận tay trái bớt được một khâu, do đó anh ta phản ứng nhanh hơn.

Người thuận tay phải, mỗi lần dùng tay trái đều cảm thấy ngượng ngịu, thậm chí không làm nổi việc như cầm đũa chẳng hạn.

Nên rèn luyện tay trái ra sao?

Thực tế, hai bán cầu não vừa có sự phân công, hợp tác, bổ sung, vừa hạn chế và bù đắp cho nhau. Thông thường, hai bán cầu não hợp tác với nhau cùng hoạt động. Nhờ vậy, bạn mới có các cử động chính xác. Bạn luyện tập tay trái, không có nghĩa là để biến mình thành người thuận tay trái, mà chỉ tăng cường hoạt động phía bên trái, kích thích sự phát triển đồng đều của não bộ.

Bước thứ nhất, bạn có thể co duỗi ngón tay trái, lần lượt từng ngón một. Làm đi làm lại cho đến khi thành thạo. Bước thứ hai, làm một số việc khéo léo bằng tay trái, như xâu kim, vẽ tranh. Bước thứ ba, hãy làm bằng tay trái những việc trước kia chỉ có tay phải mới làm được cho đến khi thành thạo. Hãy kiên trì, bạn sẽ dần thấy rằng, không những bạn có đôi tay khéo léo, mà cơ thể cũng sẽ nhanh nhẹn hơn, nghĩ được nhanh hơn. Trí thông minh phát triển rõ rệt!

Sau cùng, thuận tay phải hay thuận tay trái đều do bẩm sinh. Có người coi thuận tay trái là một tật xấu, ra sức sửa chữa. Điều này rất sai lầm. Các nhà khoa học đã làm cuộc phỏng vấn ở hai nhóm trẻ em: Nhóm thứ nhất gồm các em thuận tay trái được "sửa chữa" thành thuận tay phải, và nhóm thứ hai gồm các em thuận tay trái tự nhiên. Kết quả, nhiều em ở nhóm thứ nhất nói năng không lưu loát, trí lực phát triển chậm. Nhóm thứ hai ngược lại: Các em trả lời lưu loát như mọi đứa trẻ bình thường khác. Như vậy, việc cố công sửa chữa cho người thuận tay trái chỉ có hại.
Mục lục
Xem tiếp:  Phần V
  ABOUT ME
→ Xin chào! Tôi là Nguyễn Trương Minh Khuê, học sinh lớp 5C, năm học 2012-2013, trường Tiểu học Sông Cầu!
  CẢNH ĐẸP SÔNG CẦU
  LƯỢT XEM
  VUI CƯỜI
Support : Home | Môn Toán | Tiếng Anh | Môn Văn | Hình ảnh | Kiến thức | Đọc sách | Giải trí
Copyright © 2012. Góc học tập của Khuê - All Rights Reserved
Template Simple_ Powered by Blogger
Proudly powered by rockfan
Xem tốt nhất bằng trình duyệt Mozilla Firefox