Thứ Ba, tháng 9 18, 2012

Bài học cho những nhà tiên tri (tt)

Kinh nghiệm dự báo thời tiết theo con trùng, ong kiến v.v… thì đã được nói đến nhiều. Điều đặc biệt, là những giống vật này hình như còn có cả khả năng dự báo dài hạn nữa. Kiến làm tổ càng sớm vào mùa thu, chứng tỏ mùa đông sẽ rét đậm. Vào những năm rét nhiều, ta cũng thấy bầy ong lo liệu bịt kín các cửa tổ từ trước; còn khi mùa đông ấm, chúng để cửa mở.

 Điều chắc chắn, là khác với trường hợp của các loài sứa biển và cá, những con vật vừa kể không hề có cơ quan cảm ứng với ngoại âm hay khí áp. Những “kỹ thuật” dự báo của chúng còn cao hơn nhiều. Linh cảm thời tiết hình như là một cái gì in sâu vào tiềm thức, mang tính di truyền rất rõ và không phải bao giờ cũng gắn liền với bản năng sinh tồn.

Những trường hợp này rất giống với trường hợp của một số “bệnh thời tiết”. Nhiều người, mắc chứng bệnh kinh niên như hen suyễn, thấp khớp, dị ứng, v.v… vẫn tự nhận mình là những “nhà khí tượng bất đắc dĩ”. Vì cơ thể họ nhạy bén một cách lạ với những biến đổi thời tiết. Nhiều khi từ 1 – 2 ngày trước khi xảy ra những cơn mưa lớn, những trận bão, hay thời tiết trở lạnh, người bệnh đã được báo hiệu rồi.

Các thí nghiệm về sinh khí hậu ở nước ta đã cho phép liệt kê hơn hai chục căn bệnh tương tự, trong đó có bệnh tim, huyết áp, nhồi máu, đau dạ dày, đau cột sống và cả những vết thương cũ nữa… Có những khi, một cơn bão mới xuất hiện trên bản đồ thời tiết, còn ở xa 3 – 4 ngàn kilômét, mà những triệu chứng bệnh lí đã bộc phát rồi. Điều đặc biệt là những cảm giác người bệnh ít khi sai lầm, còn phương pháp dự báo khí tượng thì nhiều khi dự kiến đường đi của bão sai lệch đến 5 – 7 trăm kilômét!

Điều bí mật nằm ở đâu?

Loại bỏ những giả thuyết sai lầm, cho rằng cảm ứng thời tiết chẳng qua chỉ là phản ứng với độ ẩm, nhiệt độ, khí áp, v.v… nghĩa là với trạng thái vật lý khí quyển, các nhà nghiên cứu đã tìm ra, nhiều mối liên quan phức tạp có thể giải thích nguyên nhân của những cảm ứng thời tiết. Chiếc chìa khóa của bí mật nằm trong hệ thần kinh, hệ tim mạch và nội tiết.

Nhà bác học người Ý D.Piccacđi đã thử làm một thí nghiệm như sau: đem một chất nguyên sinh tách từ tế bào sinh vật đặt trong một môi trường nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng không đổi. Chất nguyên sinh bị biến chất rất rõ rệt trong những trường hợp sắp có biến động thời tiết. Tác động chính có thể quy cho những biến đổi có từ trường, điện trường, thành phần bức xạ và cả những dao động nhỏ của áp suất khí quyển, khiến cho dung dịch keo kết tủa, đổi màu.

Các kết tủa quan sát cho phép tách ra ba trường hợp của hiệu thế sinh điện ở các đối tượng sinh vật: “thế” động, “thế” tĩnh và “thế” trung gian. Những đối tượng “thế động” tỏ ra rất nhạy cảm với các biến đổi thời tiết. Những đối tượng “thế tĩnh” có chế độ sinh điện phụ thuộc nhiều hoặc ít vào thời tiết. Còn những đối tượng “thế trung gian” chiếm số đông, thì không cảm ứng gì với những thời tiết thây đổi. Các thí nghiệm cho thấy ở những đối tượng nạy cảm với thời tiết, hiệu thế sinh điện trên mặt da đạt tới 800 micrôvôn, còn những đối tượng không cảm ứng, chỉ có 200 mi–rôvôn. Dao động của thế sinh điện tỏ ra rất trùng hợp với những biểu hiện bệnh lý ở các người mắc bệnh máu và tim.

Quay sang thí nghiệm với cây cỏ, người ta cũng thấy hiện tượng tương tự như thế. Cây cỏ báo hiệu để dự đoán thời tiết cho mùa màng. Chẳng hạn,cỏ gà mọc trắng, đấy là trời sắp mưa. Cây si đâm rễ trắng, trời sẽ chuyển xấu. Măng mọc chĩa vào trong bụi, mùa tới nhiều dông bão, v.v… phản ững của cây cỏ thường cũng là phản ứng tích điện, đại loại như phản ứng ở các động vật. Những thí nghiệm điện sinh học đã xác định rằng mọi hoạt động sống trong cây đều liên quan mật thiết với điện trường và từ trường trái đất.

Rút cục, ta có thể hình dung cơ chế cảm ứng thời tiết ở đa số người và vật như một thứ máy điện từ. Mỗi cơ thể sống là một máy thu cực kỳ nhạy bén, mà ănglen là lớp da bên ngoài. Mọi sự thay đổi, về trạng thái vật lý trong khí quyển, địa quyển và thủy quyển đều không tránh khỏi làm thay đổi điện từ trường, tạo ra những dao động điện từ trường mà chỉ riêng những máy thu sinh vật mới tiếp nhận được.

Điều lý thú là phải “hiểu” được “ngôn ngữ của tự nhiên”, ẩn giấu trong những dao động đó. Trong các sinh vật, những “tiếng nói” này được khuếch đại qua hệ thần kinh, tạo ra những phản ứng sinh lý hay bệnh lý, và cả những trực giác. Rõ ràng là nhiều loại vật đã “hiểu” thứ ngôn ngữ đó thành thạo hơn con người. những thông tin được xử lý một cách… không tự giác, chứa đầy đủ nội dung về cường độ, quy mô, hứng và tốc độ chuyển dịch của hệ thống thời tiết. Tiếp nhận bản tin mật mã ấy, “những nhà tiên tri không tự giác” đã thông báo lại bằng thứ tiếng riêng của mình cho đồng loại, hoặc chỉ đơn thuần là những phản ứng tự nhiên… Cho nên, không thiếu gì trường hợp con người đã hiểu sai tiếng nói ấy, gán cho chúng những nguyên nhân khác. Ví dụ như hoạt động của chuồn chuồn hoặc ong kiến trước khi có bão chỉ là những biểu hiện sinh lý khi tiếp nhận bản tin thời tiết, chứ không phải do phản ứng với nhiệt độ, độ ẩm, v.v…

Bài học của các nhà tiên tri sinh vật đang được các nhà bác học nghiền ngẫm với rất nhiều hào hứng. Nó vạch ra cho họ thấy rằng, hiểu biết của họ về các hiện tượng tự nhiên còn máy móc, thô sơ quá. Chẳng hạn như trong việc nghiên cứu khí hậu thời tiết, con người đã tách rời các thành phần bức xạ, nhiệt độ, độ ẩm, mây, gió, v.v… Thực ra thì thời tiết đâu có tách rời như thế. Tất cả các thành phần đều liên kết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau… Chưa kể đến còn nhiều yếu tố rất quan trọng, như từ trường, điện trường, các dao động vi ba v.v… thì con người lại bỏ qua. Chỉ có bộ máy của sinh vật mới ghi nhận được một cách tổng hợp các biến động của thời tiết. Hiểu được cơ chế này sẽ giúp cho các nhà khí tượng chế tạo những thiết bị đo đạc chính xác và trung thực hơn, thay cho những thứ “đồ chơi thô kệch” họ đang sử dụng. Đồng thời, cũng cần phải suy nghĩ lại về những cơ sở của khoa học dự báo thời tiết, một khoa học cần thiết cho cuộc sống, nhưng lại chưa thể nói là đã hoàn chỉnh.

Còn với việc dự báo động đất, núi lửa và những thiên tai khác mà hiện nay còn ở trình độ mơ hồ hơn.

Kinh nghiệm dân gian từ lâu cũng đã phát hiện rằng một số loại vật, cây cỏ có khả năng đặc biệt, biết trước được những biến động này. Qua những trường hợp động đất, núi lửa như vừa kể ở trên, loại vật đã nhận được những tín hiệu bí mật mà con người không hay biết. Ở Nhật Bản, những người dân chài đã quen theo dõi sự xuất hiện của một loài các nước sâu có hình dáng đặc biệt, chỉ nổi lên mặt biển vài ngày trước mỗi lần động đất. Ở Inddooneessia, dân địa phương đã rất quen thuộc với một giống hoa gọi là “hoa núi lửa”. Hoa chỉ nở khi nào núi lửa sắp hoạt động, và mỗi lần thấy hoa nở như vậy, không cần phải suy tính, dân chúng vội vã thu xếp nhà cửa để lánh xa. Và thường thì sao khi nở độ 2 – 3 ngày, núi lửa bắt đầu phun…

Các nhà địa vật lý, phân tích các hiện tượng động đất và núi lửa, còn chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa sự tích lũy năng lượng trong lòng đất với các biểu hiện có thể thấy trên mặt đất hay bầu trời. Động đất và núi lửa hình như cũng không dính dáng gì với các chu kỳ thiên văn (như chu kỳ hoạt động mặt trời, mặt trăng, sao chổi, v.v…). Quá trình tích lũy năng lượng trong lòng đất diễn ra một cách thầm lặng, từ từ rồi đột nhiên tới một mức nào đó, sẽ bùng nổ…

Thế thì loài vật căn cứ vào đâu để tiên đoán hiện tượng sẽ xảy ra?

Có nhiều khả năng là những tín hiệu động đất, núi lửa cũng cùng bản chất điện từ như những tín hiệu thời tiết. Vì một sự tập trung năng lượng tới mức cao nhe thế, không thể không gây ra những nhiễu loại điện từ trường trong đất và trong khí quyển. Một giả thuyết mới đây còn thừa nhận mối liên quan trực tiếp giữa các hiện tượng trong lòng đất với cấu trúc vành đai từ trường xung quanh trái đất. Khi sự tích lũy năng lượng đạt tới mức giới hạn bùng nổ, những biến dạng của địa từ trường có thể cảm thụ được ở một số loài vật. Trong số này, những loài cá nước sâu và những loài bò sát như rắn, rết… sẽ nhạy bén hơn cả. Phản ứng của chúng là những dấu hiệu báo trước tai biến một cách chính xác.

Liên hệ giữa sự xuất hiện khác thường của một vài loài cá nước sâu, với hiện tượng nở hoa của loài “cây núi lửa” vừa nói ở trên, người ta còn đưa ra một giả thuyết khác. Đó là, trong thiên nhiên còn có thể ẩn giấu một đường dây liên lạc bí mật, mà con người không biết. Giống như ở các máy thu vô tuyến, tín hiệu chỉ nghe được sau khi đã cộng hưởng, biến điện và khuếch đại chỉ những sinh vật nắm được “mật mã” mới tiếp thu được tiếng nói bí mật ấy thôi. Các trường hợp được gọi là “thần giao cách cảm” cũng được giải quyết tương tự như trên. Vậy thì thuật “tiên tri” sẽ không phải là điều gì thần bí! Chỉ cần tiếp thu và hiểu rõ “tiếng nói của tự nhiên”, con người không những sẽ tiên đoán được chính xác mọi biến cố thời tiết, động đất, núi lửa, mà còn biết cả nhiều điều bí mật về quá khứ và tương lai đã được vạch rõ theo những quy luật biến động của tự nhiên.
nguồn: vnschool.net
Mục lục
Xem tiếp:  Bí mật của đồng hồ sinh vật
  ABOUT ME
→ Xin chào! Tôi là Nguyễn Trương Minh Khuê, học sinh lớp 5C, năm học 2012-2013, trường Tiểu học Sông Cầu!
  CẢNH ĐẸP SÔNG CẦU
  LƯỢT XEM
  VUI CƯỜI
Support : Home | Môn Toán | Tiếng Anh | Môn Văn | Hình ảnh | Kiến thức | Đọc sách | Giải trí
Copyright © 2012. Góc học tập của Khuê - All Rights Reserved
Template Simple_ Powered by Blogger
Proudly powered by rockfan
Xem tốt nhất bằng trình duyệt Mozilla Firefox