Một ngày mùa hè, cách đây đã 45 năm. Quân đội Hítle bắt đầu mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên Xô, thực hiện mưu đồ làm bá chủ thế giới… Khi còi báo động vừa chấm dứt, viên kỹ sư trẻ Ôlếch trở về nhà trong một thị trấn nhỏ bé vùng Ucraina, đã thấy tất cả chỉ còn là một đống gạch vụn. Một làn khói xám bốc lên sặc mùi thuốc nổ, như muốn nói rằng từ đây mọi kỷ niệm thân thương đã vĩnh viễn chôn vùi, không bao giờ còn thấy lại được nữa…
Viên kỹ sư đứng lặng hồi lâu trước cảnh tàn phá. Ông nghĩ đến con chó Puncô thân yêu, chắc giờ đây đã nằm yên dưới tro tàn, ghi thêm một tội ác của bọn phát xít. Làm sao nó có thể trốn kịp khi nghe còi báo động và tiếng máy bay hoàn toàn xa lạ mang lại sự chết chóc và khuấy động cuộc sống thanh bình, yên vui?
Ngay đêm ấy, có lệnh khẩn cấp, Ôlếch cùng với xưởng máy phải lên đường sơ tán về miền Đông. Kỷ niệm về con chó Pucô cùng thị trấn yên tĩnh dần dần phai mờ trong bao nhiêu công việc bận rộn hằng ngày…
Cho tới khi chiến tranh kết thúc. … Chàng kỹ sư Ôlếch lúc này đã có gia đình và một tổ ấm, ở cách xa nơi ở cũ chừng tám ngàn kilômét. Một bữa, đi làm về, đứa con gái Irina mới lên ba tuổi, chạy vội ra ôm chầm lấy bố, khoe rối rít:
- Bố ơi, có một con chó lạc đến nhà ta! Nó thân ngay với con, và con đang cho nó ăn bánh…
- Vậy hả! Thế còn mẹ con đâu?
Nói chưa dứt lời, thì con chó từ trong nhà đã lao ra. Nó ôm chầm lấy viên kỹ sư, hít lấy hít để, biểu lộ sự mừng rỡ nhất mà loài chó có thể có. Ôlếch kinh hoàng, không tin ở mắt mình nữa. Vì con chó đứng trước mắt ông giống hệt con chố Puncô, mà ông đinh ninh đã gửi xác dưới đám gạch vụn tàn phá rồi. Làm thế nào nó có thể hồi sinh và tìm lại chủ cũ được?
Nếu như Ôlếch có thể hình dung được những gì đã xảy ra cho con chó thân yêu của mình ba năm về trước!
Khi căn nhà bị trúng bom, nó đã “may mắn” mà thoát chết. Gọi là “may mắn” không hoàn toàn đúng, vì chắc nó đã “linh cảm” thấy mối đe dọa của những chiếc máy bay phát xít, và chạy trốn rất xa. Khi trở lại, thì căn nhà đã bị phá, chủ cũ cũng đi. Nó chỉ còn lưu lại một chút hơi hướng của con người thân yêu nhất ấy, và lòng trung thành vốn có của loài chó đã thôi thúc nó đi tìm lại. Thế là bắt đầu một cuộc phiêu lưu.
Cần nói thêm rằng, chiến tranh khi đó đã làm xáo trộn rất nhiều khía cạnh của cuộc sống bình thường. Con vật phải tự mình sục sạo, tìm lại các dấu vết, đồng thời lại phải trốn lủi, kiếm sống. Nó đã đi qua tất cả những nơi mà Ôlếch đã dừng chân, lần theo tất cả các con đường mà Ôlếch đã từng trải. Lúc băng rừng, khi vượt núi, ba năm trời để thực hiện một cuộc hành trình gần 8000 kilômét không phải chuyện gì kỳ lạ. Chuyện kỳ lạ là ở chỗ, vì sao Puncô có thể lần theo những dấu vết mơ hồ, lần trong muôn vàn dấu vết khác, để tìm tới đúng nơi ở mới của người chủ cũ, với nguyên vẹn những tình cảm năm xưa! Phải xem đó là một hiện tượng “siêu thường ”, mà cắt nghĩa bằng sự tinh tường bẩm sinh của loài chó thì hoàn toàn không thỏa đáng.
Câu chuyện về chú chó Puncô còn chưa phải “khó tin” nhất trong số những câu chuyện về sự thông thái của loài vật. Từ những khả năng đánh hơi, định hướng dò tìm đến những linh cảm, trực giác nhạy bén kỳ lạ của loài vật đếu có thể nói, đã vượt xa những tính năng của con người, và cả những sáng tạo kỹ thuật mà con người đã thành đạt. Có thể lấy ví dụ như, để nhận biết một người hoặc vật, con người cần xét đoán qua hình dáng vẻ ngoài hoặc một vài dấu vết đặc tính nào đó. Nhưng loài chó chỉ cần đến một chút “hơi”của người hay vật đó, là có thể nhận dạng một cách chính xác và giữ lại những “hình ảnh” đó rất lâu. Hoặc con người cần đến ánh sáng, hay ít ra cũng phải bằng xúc giác, mới phân biệt được vật này vật khác. Nhưng loài muỗi, trong đêm tối, vẫn có thể “ nhìn” thấy người rất rõ để tìm đến đốt: chúng không “nhìn” bằng mắt mà bằng… nhiệt độ.
Cho nên, tìm hiểu những “bài học thông thái” trong thế giới sinh vật, chắc chắn là một điều lý thú và bổ ích.