Thứ Ba, tháng 9 18, 2012

Đi tìm Chiếc Chìa Khóa Của Sự Thông Thái (tt)

Ở Nam Mỹ, có một giống chim mà tên địa phương gọi là Goacharo. Cuộc sống của chúng, dưới mắt loài người, diễn ra rất buồn tẻ trong những hang sâu tăm tối không ánh mặt trời. Nhưng… hoàn toàn không phải thế. Chúng không nhìn mọi vật bằng ánh mặt trời mà bằng những âm thanh cao tần phát ra dưới dạng những tín hiệu ngắn.

Những tín hiệu ấy, phản xạ ở chướng ngại vật và được tiếp thu lại bởi con vật, hòan toàn có khả năng đem lại những nhận biết đầy đủ về khoảng cách, hình dáng, kích thước và thậm chí cả màu sắc, bằng chứng là bản thân chúng cũng mang những bộ lông hình như đã giúp chúng phân biệt được nhau.

Phương pháp”nhìn” bằng siêu âm, không phải chỉ áp dụng với loài chim Goacharô, mà còn với nhiều loài khác. Có thể kể như con chim dẽ, con dơi và một vài giống chim hay hót có thể thoải mái bay trong đêm tối, mây mù nhờ hệ thống “mắt thần” nhìn bằng tia siêu âm. Chúng có thể chủ động phát ra tia siêu âm, rồi tiếp nhận sóng phản hồi từ đối tượng, căn cứ theo khoảng cách thời gian giữa lúc phát và thu, cùng góc hướng phản xạ để xác định vị trí và hình dáng đối tượng. Nguyên tắc này đã được vận dụng trong các thiết bị Rađa hoặc soona của con người. Nhưng ngay trong những hệ thống hiện đại nhất, thì độ nhạy cũng như tính linh hoạt cũng còn thua kém nhiều lắm. Có thể lấy ví dụ, con mắt siêu âm của loài dẽ giun có thể cho phép chúng phát hiện những con sâu nhỏ bé từ khoảng xa vài trăm mét, không hề bị nhiễu hay nhầm lẫn. Hoặc xa trong một thí nghiệm với loài dơi, người ta đã thấy chúng bay qua dễ dàng những màn lưới thép mảnh, có mắt lưới rộng 30cm vừa sải cánh của chúng dệt bằng những sợi dây có tiết diện chỉ 1/10mm. Nghĩa là bộ máy định vị của loài dơi cũng cho phép phát hiện những vật kích thước rất nhỏ.

Nhà bác học Xô Viết Epumpe đã đưa ra giả thuyết chủ vị, cắt nghĩa sự tinh tường của loài dơi. Theo ông phát tín hiệu thu đóng vai trò kích động trong việc phát tín hiệu kế tiếp. Thành thử, những thay đổi về vị trí, khoảng cách, kính thước đối tượng đều gây ra sự thay đổi tần số manh động và chính điều đó, giúp con vật nhận biết mọi chi tết chính xác của đối tượng trước nó. Trong thực tế, người ta thấy tần số các tín hiệu ở loài dơi thay đổi từ 5 – 10 lúc bình thường tới 20 – 30 tín hiệu mỗi giây lúc tới gần vật chướng ngại, và đạt tới cực đại là 250 tín hiệu khi săn mồi. Tuy nhiên, có điều mà người ta còn chưa hiểu rõ, là làm thế nào các con dơi không bị nhiễu loạn bởi những tín hiệu tương tự phát ra. Có trường hợp, người ta quan sát thấy trong một hang có tới hai triệu con dơi. Mỗi chiều, chúng bay rợp kín cả bầu trời mà không hề đụng vào nhau, không hề làm trở ngại cho việc săn bắt của nhau.

Một điều bí ẩn khác là trường hợp của những loài dơi bắt cá. Tín hiệu phát phải xuyên qua nước, phản xạ ở con mồi được tiếp nhận trở lại cơ quan thu âm. Nhưng khi này, theo sự tính toán, cường độ tín hiệu đã phải suy yếu đi hàng triệu lần. Làm sao mà thính giác của loài dơi có thể phát hiện ra những sóng siêu âm yếu như vậy trong muôn vàn tiếng động khác? Nghĩa là nó đồng thời phải làm nhiệm vụ phân tích, lọc sóng , chọn lựa, và khuếch đại. Một khi những điều bí ẩn đó được khám phá ra, thì không những sẽ hoàn thiện hơn gấp trăm lần các thiết bị Rada hiện đại, mà sẽ còn tạo ra những phương tiện giúp người mù “nhìn” được không cần mắt, giúp các nhà địa chất xuyên được những địa tầng không cần khoan thăm dò, giúp con người mở rộng nhận thức của họ trong những thế giới mà ánh sáng thường không lọt tới.

Cuộc săn tìm “những giống vật thông thái” còn hấp dẫn các nhà bác học tiếp cận với loài cá heo, mà tính năng kỳ diệu đã từng được nói đến ở trên.

Người ta biết đến chừng 50 giống cá heo, sống rải rác trên khắp các đại dương và cả ở một vài con sông. Đó là một loài có vú, thời cổ Hy Lạp đã từng được tôn sùng vào hàng những giống vật linh thiêng, có lẽ vì sự thông minh đặc biệt của chúng.

Có vô số huyền thoại, tới mức gần như hoang đường, về loài cá heo ấy.

Một câu chuyện thú vị về chú cá được đặt tên là Giếch, có thể kể lại sau đây để các bạn có một khái niệm về giống vật thông thái ấy.

Vào một ngày bão tố, năm 1888, con tàu buồm “Britnen” trở 500 người trên đó bị lọt vào eo biển Phrensơ Pat vùng Tân Tây Lan, nơi nổi tiếng vì những đá ngầm nguy hiểm, đã gây ra bao tai nạn đắm tàu. Sự tuyệt vọng đã tràn lan trong khắp thủy thủ và hành khách, đến mức mà mọi người chỉ còn biết nhắm mắt cầu nguyện. Bỗng dưng, phía trước thuyền, hiện lên tấm lưng xanh xám của một chú cá heo, lúc ẩn lức hiện như muốn nói lên một điều gì…

Lúc đầu, còn chưa ai hiểu đó là bị cứu tinh của họ. Một thủy thủ còn định xua đuổi, vì nhầm với cá nhà táng. Nhưng bà vợ của viên thuyền trưởng là người đầu tiên linh cảm thấy một điều gì khác thường. Bà kêu lên:

- Con vật muốn dẫn đường cho chúng ta! Hãy bám theo nó, chúng ta sẽ được cứu thoát.

Viên thuyền trưởng trong lúc nguy cấp, ra lệnh thực hiện đúng như thế. Thấy tàu vừa chuyển hướng, con vật tỏ vẻ như hài lòng, quậy mình liền rồi bắt đầu bơi trước tàu theo những đường ngoằn ngoèo. Nhờ đó, tàu vượt qua em biển an toàn, giữa cơn sóng gió. Khi thoát khỏi nguy biến, đoàn thủy thủ hò reo ầm ĩ, chú cá cũng mừng vui đáp lại bằng những vũ điệu độc đáo trước khi lặn xuống biển…

Từ đó, bắt đầu sự nghiệp vinh quang của Giếch (tên gọi được các thủy thủ đặt cho sau những lần gặp). Bất kỳ một bóng dáng tàu thuyền vừa xuất hiện ở eo biển nguy hiểm, là Giếch đã có mặt làm nhiệm vụ dẫn đường. Trong suốt hai mươi năm chuyên cần của nó, không hề có một chiếc tảu bị tai nạn. Nó có những cách báo hiệu riêng, trở thành thói quen thuộc với các thủy thủ, để diễn tả nơi nào nguy hiểm, nơi nào an toàn, ra lệnh cho tàu đi nhanh hay chậm, rẽ phải hay trái, v.v… hệt như một hoa tiêu thành thạo.
  ABOUT ME
→ Xin chào! Tôi là Nguyễn Trương Minh Khuê, học sinh lớp 5C, năm học 2012-2013, trường Tiểu học Sông Cầu!
  CẢNH ĐẸP SÔNG CẦU
  LƯỢT XEM
  VUI CƯỜI
Support : Home | Môn Toán | Tiếng Anh | Môn Văn | Hình ảnh | Kiến thức | Đọc sách | Giải trí
Copyright © 2012. Góc học tập của Khuê - All Rights Reserved
Template Simple_ Powered by Blogger
Proudly powered by rockfan
Xem tốt nhất bằng trình duyệt Mozilla Firefox