Thứ Tư, tháng 10 03, 2012

Những câu hỏi vì sao? - Phần I

1. Vì sao ong chúa sống lâu gấp 10 lần ong thường?

Có thể bạn sẽ nói rằng, ong chúa sống lâu bởi nó to gấp 3, gấp 4 lần những con ong thợ khác. Hoặc vì nó có nhiệm vụ đẻ trứng và duy trì nòi giống cho cả đàn, nên không được phép chết non... Tuy nhiên, không hẳn đúng như vậy.

Trong đàn thường có 3 loại ong: Thứ nhất là ong thợ. Đó là những con cái không có khả năng sinh đẻ. Chúng chiếm số lượng đông nhất trong đàn, và chuyên đảm nhận những công việc nặng nhọc như xây tổ, kiếm mồi, chăm sóc ong con, chống kẻ thù. Loại thứ hai là ong đực. Chúng cũng phải kiếm ăn và xây tổ, nhưng ít nặng nhọc hơn ong thợ. Và thứ ba là ong chúa.
Trong đàn chỉ có ong chúa là có quyền đẻ trứng. Vì thế, nó được nâng niu và bảo vệ rất cẩn thận. Trong khi các con khác phải bươn trải bên ngoài để kiếm thức ăn, thì ong chúa chỉ nằm trong tổ, "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu". Nó được cung phụng loại mật hoa ngon nhất. Cho dù cả đàn ong phải nhịn đói thì ong chúa vẫn no đủ. Cả cuộc đời, ong chúa hầu như không phải chạm trán với kẻ thù. Có lẽ vì vậy mà ong chúa có thể sống hết tuổi thọ của nó (5-6 năm), trong khi các con ong khác chỉ sống được 6 tháng đến một năm mà thôi.
2. Vì sao mặt trăng đi theo chúng ta?

Những đêm trăng sáng, nếu vừa đi bộ vừa chú ý nhìn trăng, bạn sẽ thấy như chị Hằng đang đi theo bạn. Không riêng gì mặt trăng, nếu để mắt quan sát các đỉnh núi xa xa, bạn cũng sẽ có cảm giác tương tự.

Nguyên do là khi ta đi bộ, chúng ta không thể không chú ý tới mọi vật xung quanh. Nhưng tầm mắt của ta lại có giới hạn. Lúc ta đi về phía trước, mọi vật gần quanh ta (chiếm khoảng lớn trong tầm nhìn) trôi đi rất nhanh, nhưng những vật ở xa (chiếm khoảng rất nhỏ trong tầm nhìn) thì trôi đi rất chậm và rất lâu mới ra khỏi tầm mắt.

Các bạn hãy nhớ lại cảm giác trên xe lửa đi với tốc độ nhanh. Bạn sẽ thấy các cột điện ở dọc đường trôi qua vùn vụt ngoài cửa sổ, nhưng cây cối, cột điện, nhà cửa ở phía xa xa thì trôi rất chậm, còn dãy núi ở tận cuối chân trời thì như dán chặt vào cửa sổ. Hiện tượng này giống hệt như khi mặt trăng, các vì sao, cây cối, núi cao đi theo bạn. Những vật này cũng chiếm khoảng rất nhỏ trong tầm nhìn, nên bạn sẽ thấy nó rất lâu. Đặc biệt là mặt trăng, vì là vật to và sáng nhất trong đêm nên nó nổi bật hơn hẳn các vì sao và vật thể khác. Vì thế, ta luôn có cảm giác mặt trăng theo sát bước chúng ta.
3. Trí thông minh là gì?

Edison cần tính dung tích một bóng đèn hình quả lê, ông giao nhiệm vụ đó cho trợ lý Chapton. Hơn một tiếng đồng hồ, Chapton loay hoay mãi với các công thức dày đặc mà vẫn chưa ra. Edison đi qua, nói: “Có gì phức tạp lắm đâu!” Ông mang chiếc bóng ra vòi, hứng đầy nước và nói với Chapton: “Anh đổ vào ống đo, xem dung tích là bao nhiêu. Đó là dung tích của bóng đèn”.

Chapton vỗ trán: “Chà, thật đơn giản, có thế mà mình nghĩ mãi không ra". Chapton đã tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Primton, lại tu nghiệp một năm ở Đức, còn Edison mới chỉ học 3 tháng tiểu học, sau đó tự học với mẹ mình.

Câu chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu đại khái thế nào là “trí thông minh”. Nó không ngang bằng với trí thức. Rõ ràng Chapton có tri thức chuyên môn cao hơn Edison nhiều. Ông ta căn cứ vào các công thức toán học để tính dung tích bóng đèn, nhưng không nghĩ ra được cách đơn giản như Edison. Phản ứng nhạy bén của Edison phản ánh trí thông minh của ông, được xây dựng trên cơ sở tri thức rộng. Sự thông minh đó có thể gọi là trí thông minh mạnh.

Vậy trí thông minh là gì?

Các nhà tâm lý học có những quan điểm khác nhau và giải thích khác nhau về vấn đề này, nhưng đều có chung một nhận định: Trí thông minh không phải là một năng lực đơn độc, nó là sức mạnh tổng hợp của nhiều loại năng lực. Theo điều tra tâm lý và quan điểm của các nhà tâm lý học Trung Quốc, trí thông minh chúng ta nói ở đây bao gồm khả năng quan sát, khả năng của trí nhớ, sức suy nghĩ, óc tưởng tượng, kỹ năng thực hành và sáng tạo. Trí thông minh chính là sự phối hợp tốt các năng lực đó để làm thành một kết cấu hữu hiệu.

Kết cấu trí thông minh cũng ví như một chiếc xe đạp. Nó được lắp ghép bởi những phụ tùng chủ yếu như khung, bánh xe, trục giữa, moayơ, đùi đĩa… Có thể phụ tùng đều rất tốt, nhưng nếu lắp ghép xộc xệch, xe đi vài hôm sẽ hỏng, thậm chí không đi nổi. Cho nên xe phải đi ít lâu, được điều chỉnh lại, mới có thể bon bon trên đường một cách êm ru. Nếu có phụ tùng nào đó bị hỏng, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xe.

Kết cấu của trí thông minh cũng vậy, chúng ta cần làm cho mọi năng lực của chúng ta đều được phát huy đầy đủ, và nâng cao dần, đồng thời làm cho những năng lực đó (quan sát, trí nhớ, suy nghĩ, tưởng tượng, thực hành, và sáng tạo) phối hợp đồng bộ, hoạt động đều.
4. Tại sao không biết đau là đáng sợ?

Bé gái Kinchen sau khi được 6 tháng tuổi bỗng mất cảm giác đau. Khi tiêm, em không hề khóc. Bị bỏng, em cũng chẳng kêu. Một lần bị gãy tay, phải bó bột, Kinchen thấy vướng đã tự tháo băng ra, đùa nghịch với cánh tay, làm chỗ gãy không khớp lại được nữa...

Đau là một loại cảm giác giúp con người phân biệt những kích thích có thể gây hại cho cơ thể. Ví dụ chạm tay vào lửa, cảm giác đau rát ở da làm người ta rụt lại, đau bụng báo cho người ta biết dạ dày có vấn đề, đau ngực cho thấy tim phổi hoặc gì đó không ổn. Bởi thế cảm giác đau có ý nghĩa tâm sinh lý đặc biệt, giúp con người sinh tồn. Nó có ý nghĩa báo động, giúp cơ thể sớm nhận biết và đề phòng hiểm nguy. Nếu không có cảm giác ấy, chúng ta có thể gặp những hoàn cảnh chết người mà không nhận ra được

Hiện tượng mất cảm giác đau thường chỉ xảy ra do một biến động tâm sinh lý đột ngột nào đó. Rất hiếm khi có trường hợp mất cảm giác đau kéo dài. Tuy vậy, trên thực tế, nếu tập trung vào một việc nhất định, người ta có thể "quên" cảm giác đau. Lúc ấy, các tín hiệu cảnh báo sự nguy hiểm trong não bộ tạm thời nhường chỗ cho các hoạt động khác. Ví dụ, Quan Vũ đã dùng ý chí tập trung vào việc đánh cờ để Hoa Đà cạo xương tay mà không hề kêu ca gì. Nhưng thường chỉ sau khi hết tập trung, cảm giác đau lại xuất hiện.
5. Tại sao lợn thích dũi vách và ăn đất sét?

Lợn được người nuôi, chẳng có việc gì ngoài ăn rồi ngủ. Nhưng thỉnh thoảng nó lại không chịu như vậy, mà luôn dũi vách, gặm tường. Chẳng biết nó muốn tìm cái gì, bởi dũi vách chỉ tổ đau mũi mà gặm tường thì đau răng. Không lẽ lợn "ngu" thật?

Tất nhiên là lợn không ngốc nghếch như vậy. Tổ tiên của nó sống ở nơi hoang dã, thường phải dùng mũi ủi đất kiếm ăn. Bởi vậy, mũi lợn rất cứng và răng lợn rất sắc. Nay bị người thuần hóa từ lâu nhưng nó vẫn chưa bỏ thói quen ủi, dũi xưa kia. Vì thế, những lúc nhàn rỗi, chợt nghe thấy "tiếng gọi nơi hoang dã", nó lại dũi tường cho đỡ nhớ.

Ngày xưa đi kiếm ăn, lợn thường ăn cả rễ cây và củ dính đất sét. Trong đất sét có nhiều chất khoáng như phốtpho, canxi, côban, sắt, đồng mà cơ thể nó rất cần. Sau này được người nuôi, tuy không thiếu thốn gì, nhưng thỉnh thoảng dũi tường vách thấy miếng đất nào "ngon" là theo thói quen cũ, lợn "xơi" luôn.
6. Vì sao chúng ta không cảm thấy trái đất chuyển động?

Mỗi giây, trái đất vượt được chặng đường 30 km quanh mặt trời. Đó là chưa kể tới việc nó tự quay quanh mình với tốc độ ở đường xích đạo là 465 mét/giây. Vậy mà có vẻ như trái đất đang đứng yên, trong khi chỉ cần ngồi lên xe, bạn sẽ thấy xe lao đi nhanh chóng mặt.

Trở lại với một tình huống thường gặp: Khi đi thuyền trên sông, bạn sẽ thấy thuyền lướt rất nhanh, cây cối và mọi vật hai bên bờ cứ trôi qua vùn vụt. Nhưng khi đi tàu thủy trên biển rộng, trước mắt là trời biển xanh biếc một màu, chim hải âu trông xa như một đốm trắng lơ lửng trên không trung, lúc đó, bạn sẽ cảm thấy tàu thủy đi quá chậm, mặc dù tốc độ của nó hơn hẳn tốc độ thuyền trên sông. Vấn đề chính là ở chỗ đó.

Khi đi thuyền, cây cối hai bên bờ sông không di chuyển mà chính là thuyền di chuyển. Nếu cây cối ven bờ lao đi càng nhanh, chứng tỏ tốc độ của thuyền càng lớn. Nhưng trên biển rộng không có gì làm mốc để ta thấy tàu đang đi nhanh. Bởi thế bạn thấy nó lướt đi rất chậm, thậm chí có lúc đứng yên.

Trái đất như một chiếc tàu khổng lồ trong không gian. Nếu bên cạnh quỹ đạo của nó cũng có những vật mốc như cây cối bên bờ sông, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy trái đất đang chuyển động. Nhưng ở gần trái đất, tiếc thay, lại không có vật gì làm chuẩn. Chỉ có những vì sao xa tít tắp giúp ta thấy được trái đất thay đổi vị trí theo ngày, tháng mà thôi. Các vì sao này ở quá xa, nên trong một thời gian ngắn mấy phút, mấy giây, chúng ta rất khó cảm nhận thấy trái đất đang chuyển dịch.

Còn về việc trái đất tự quay quanh nó với tốc độ khá nhanh, chúng ta và mọi vật ở trên đó cũng đang quay với cùng một tốc độ, bởi vậy chúng ta không cảm nhận được chuyển động này. Nhưng các bạn chớ quên rằng, hàng ngày, chúng ta nhìn thấy mặt trời, mặt trăng và các vì sao mọc đằng đông và lặn đằng tây, đó chính là kết quả của việc trái đất tự quay quanh mình nó.
7. Tại sao lúc ngáp lại chảy nước mắt?

Khi ngáp, cơ mặt, lưỡi và họng của chúng ta co mạnh, làm tăng áp lực trong khoang miệng. Áp lực này ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi, do đó nước từ tuyến lệ tràn ngược vào trong mắt, khiến mắt ta đầm đìa.

Nguồn nước mắt do đâu mà có? Trong khoang mắt, bên trên và dưới mỗi con mắt đều có một tuyến lệ, chỉ bằng hạt đậu thôi, hình tròn dẹt, có thể sản sinh ra nước mắt. Tuyến lệ có ống thoát nước chảy vào bề mặt con mắt, giữ cho giác mạc và kết mạc lúc nào cũng ướt. Nước mắt cũng có thể trào ra để rửa sạch bụi bẩn lọt vào mắt, đồng thời sát trùng, cho nên nó được coi là một “vệ sĩ”.

Thông thường, tuyến lệ chỉ tiết ra một ít nước mắt. Ban ngày lúc thức, trong vòng 16 giờ, tuyến lệ tiết ra khoảng 0,5- 0,6 g nước mắt. Khi ngủ mắt nhắm lại, tuyến lệ coi như ngừng làm việc. Nếu thế, hai con mắt lúc nào cũng đầm đìa nước ư? Điều kỳ diệu của con người chính là ở chỗ đó, vừa có bộ phận sản xuất lại có bộ phận tiêu thụ. Ở góc trong mỗi con mắt (y học gọi là nội xế) đều có các lỗ nhỏ thu thập nước mắt, thông xuống mũi. Nước mắt đi xuống hoà cùng với nước mũi sẽ chảy ra ngoài.

Khi người ta mệt mỏi hoặc lâu không thở không khí tươi mới, trong cơ thể tích đọng quá nhiều CO2, kích thích thần kinh phản xạ, nên mới ngáp. Cùng với động tác này, một khối khí lớn từ miệng trút ra, sinh áp lực trong miệng, ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt, do đó nước mắt từ tuyến lệ tràn vào mắt.

Thực ra, không chỉ có ngáp, mà những động tác làm co cơ mặt khác, ví dụ cười ngặt nghẽo, hắt hơi, ho, nôn… đều có thể làm chảy nước mắt. Ngoài ra, đôi khi bụi vào mắt, khói, ánh sáng chói, gió lạnh cũng có thể tạo ra tình huống tương tự. Cũng vì thế, khi chảy nước mắt bao giờ cũng kèm theo nước mũi chảy dài. Tại sao vậy, chắc các bạn cũng suy luận được rồi.
Mục lục
Xem tiếp:  Phần II
  ABOUT ME
→ Xin chào! Tôi là Nguyễn Trương Minh Khuê, học sinh lớp 5C, năm học 2012-2013, trường Tiểu học Sông Cầu!
  CẢNH ĐẸP SÔNG CẦU
  LƯỢT XEM
  VUI CƯỜI
Support : Home | Môn Toán | Tiếng Anh | Môn Văn | Hình ảnh | Kiến thức | Đọc sách | Giải trí
Copyright © 2012. Góc học tập của Khuê - All Rights Reserved
Template Simple_ Powered by Blogger
Proudly powered by rockfan
Xem tốt nhất bằng trình duyệt Mozilla Firefox