Thứ Tư, tháng 10 03, 2012

Những câu hỏi vì sao? - Phần II

8. Vì sao người ngã xuống Biển Chết không chìm?

Bơi lội trong Biển Chết bạn đừng bao giờ lo chết đuối, bởi vì hàm lượng muối trong nước biển ở đây cao tới 270 phần nghìn. Tỷ trọng nước biển còn lớn hơn cả tỷ trọng người bạn. Vì thế ta có thể nổi trên biển như một tấm gỗ.

Nhưng tại sao trong khi hàm lượng muối trung bình của nước biển trên tầng mặt các đại dương chỉ có khoảng 35 phần nghìn, còn hàm lượng muối trong Biển Chết lại cao đến vậy?

Giở bản đồ ra chúng ta sẽ thấy Biển Chết nằm ở vùng biên giới phía tây của Jordan, là chiếc hồ thấp nhất thế giới, lọt thỏm trong vùng có địa hình xung quanh tương đối cao. Thực ra, Biển Chết không phải là biển thực sự mà chỉ là một cái hồ không có đường ra, với một số con sông không lớn mang nước đổ vào. Chính đặc điểm này đã quyết định tính chất của nó.
Chung quanh các sông chảy vào Biển Chết phần lớn là sa mạc và nham thạch đá vôi. Các tầng nham thạch đó có chứa rất nhiều muối khoáng. Vì thế, nước sông chảy vào Biển Chết đều có hàm lượng muối rất cao. Do biển không có đường ra nên những khoáng chất này đều bị giữ lại toàn bộ. Đồng thời Jordan lại là vùng hanh khô, ít mưa. Mặt trời gay gắt không ngừng làm cho nước trong cái “vũng" kín này bốc hơi rất mạnh.

Trong khi đó, một nguồn nước chính của Biển - sông Jordan - lại bị rút bớt đáng kể để phục vụ tưới tiêu. Tháng năm qua, hàm lượng muối trong biển ngày càng nhiều, ngày càng đậm đặc. Kết quả là trong thuỷ vực này, trừ một vài vi khuẩn, không có sinh vật nào tồn tại được, vì thế nó mới được mang cái tên không lấy gì đẹp đẽ - Biển chết.
9. Vì sao đêm mùa hè có nhiều sao hơn đêm mùa đông?

Những đêm hè trời quang, nhìn lên bầu trời chúng ta sẽ thấy chi chít các vì sao và rành rành là nhiều hơn hẳn so với đêm mùa đông. Tại sao vậy? Lý do là mùa hè chúng ta đứng ở gần trung tâm ngân hà, nơi có nhiều sao nhất, còn mùa đông, trái đất của chúng ta đứng ở rìa ngân hà, nơi có ít sao hơn.

Trong hệ ngân hà của chúng ta (Milky Way) có khoảng 100 tỷ sao và chủ yếu phân bố trong một chiếc “bánh tròn”. Phần giữa chiếc bánh này hơi dầy hơn chung quanh. Ánh sáng đi từ phía mép “bánh” bên này đến phía bên kia phải mất 10 vạn năm ánh sáng, đi từ mặt trên xuống mặt dưới bánh cũng phải mất 1 vạn năm ánh sáng.

Mặt trời và những hành tinh láng giềng của hệ mặt trời đều nằm trong hệ ngân hà. Hầu hết những sao mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường cũng đều nằm trong đó. Nếu mặt trời nằm giữa hệ thì dù chúng ta nhìn từ phía nào cũng thấy số lượng sao trên trời nhiều như nhau. Thế nhưng hệ mặt trời cách trung tâm hệ ngân hà khoảng 3 vạn năm ánh sáng. Khi chúng ta nhìn về phía trung tâm ngân hà sẽ thấy ở khu vực đó dày đặc các vì sao. Ngược lại, nếu nhìn về phía đối diện trung tâm ngân hà sẽ chỉ nhìn thấy một số ít sao trong một phần của hệ.

Trái đất không ngừng quay quanh mặt trời. Về mùa hè trái đất chuyển động đến khu vực giữa mặt trời và hệ ngân hà gọi là Đới ngân hà. Đới ngân hà là khu vực chủ yếu của hệ ngân hà, tập trung nhiều sao của hệ. Bầu trời đêm hè chúng ta nhìn thấy chính là Đới ngân hà dày đặc các vì sao. Về mùa đông và các mùa khác, khu vực Đới ngân hà nằm về phía trái đất đang ở ban ngày, nên rất khó nhìn thấy. Còn ở mặt kia của trái đất (vùng đang là đêm) sẽ không thể nhìn thấy nó.
10. Tại sao đứng trên cao nhìn xuống lại thấy chóng mặt?

Đối với cơ thể, đứng từ trên nóc nhà cao tầng nhìn xuống chính là một loại kích thích bất thường với cường độ mạnh. Nó gây ra phản ứng theo nhiều đường khác nhau. Người ta cảm thấy chóng mặt chính là do những phản ứng đó.

1. Cảnh tượng từ trên cao khiến ta căng thẳng. Sự căng thẳng này tạo ra hàng loạt phản xạ thần kinh, nhất là thần kinh giao cảm bỗng hưng phấn làm cho tim đập nhanh, chân lông dựng lên, lỗ đồng tử giãn ra, chân tay đổ mồ hôi, thở gấp, quan trọng hơn cả là làm co mạch máu, huyết áp tăng đột ngột. Hiện tượng này làm cho người ta bị chóng mặt.

2. Lên cao sẽ bị kích thích bởi áp lực không khí và tiếng gió, cùng với kích thích của thị giác khi nhìn xuống. Những nhân tố này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc cân bằng trong tai. Điều này làm ta nhất thời mất đi cảm giác thăng bằng, gây chóng mặt, thậm chí còn có thể nôn mửa, giống như say tàu xe vậy.

3. Tiểu não cũng phụ trách động tác cân bằng. Các kích thích khi tác động mạnh vào lớp vỏ đại não, “bộ tư lệnh” thần kinh cao cấp nhất của cơ thể người, sẽ thông qua thị giác, thính giác để tác động vào tiểu não, gây ra hàng loạt hoạt động điện sinh học, làm nhiễu chức năng tiểu não trong thời gian ngắn, khiến ta chóng mặt.

Vậy tại sao lên tầng cao mới có hiện tượng này, còn lên núi cao lại không? Vấn đề rất đơn giản. Vì tầng cao là lên thẳng, tạo ra sự tương phản độ cao rõ rệt với cảnh vật xung quanh, do đó kích thích mạnh mẽ hơn. Lên núi, dù cho núi cao gấp nhiều lần toà nhà, nhưng do độ cao của nó thoai thoải, tăng dần, khác biệt với chung quanh không rõ rệt, đứng ở ngọn núi này vẫn thấy nhiều ngọn núi khác nhấp nhô, cho nên không tạo ra kích thích mạnh, ít ảnh hưởng đến thần kinh con người.

Đối với những người ít khi lên tầng cao, trước khi đi lên cần chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng, tốt nhất nên ngắm nhìn phong cảnh ở xa trước, làm cho thị giác, thính giác và tinh thần quen dần, rồi mới thu gần lại và nhìn thẳng xuống. Như vậy, ta sẽ không bị chóng mặt.
11. Vì sao một số cây cổ thụ rỗng thân mà vẫn sống?

Đôi khi ta bắt gặp những thân cây cổ thụ cành lá xum xuê, nhưng thân lại "vườn không nhà trống". Điều gì đã giúp chúng sống thoải mái trong điều kiện thương tật như vậy. Đó là vì rỗng thân không phải là căn bệnh chết người của cây.

Thân cây mỗi năm một to ra, chất gỗ ở giữa thân do ngày càng khó được cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng, có thể bị chết dần. Phần lõi cây già trở nên vô tác dụng. Mô chết này nếu bị vi khuẩn xâm nhập hoặc nước mưa thấm vào lâu ngày sẽ mục nát, tạo nên lỗ rỗng. Có những loài cây đặc biệt dễ bị rỗng ruột như cây liễu cổ thụ. Khi đó, cây chỉ mất đi một loại "ruột thừa" mà thôi.

Trong thân cây có hai đường lưu thông vật chất nhộn nhịp. Phần xylem ở lõi gỗ là tuyến vận chuyển nước và chất vô cơ từ rễ lên. Phần ploem trong lớp vỏ là tuyến vận chuyển chất hữu cơ tổng hợp được từ trên xuống rễ. Hai tuyến đó gồm nhiều đường ống. Trên một cây, số ống dẫn này nhiều vô kể, nên nếu chỉ một số tuyến bị mất đi, việc vận chuyển nước không bị gián đoạn hoàn toàn, do đó cây già thân rỗng vẫn sinh trưởng như thường.

Tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có cây táo sống mấy trăm năm, thân cây tuy rỗng tới mức một người vào trú mưa được mà cây vẫn ra quả!

Thế nhưng, nếu bạn bóc toàn bộ (chứ không phải một phần) vỏ cây cổ thụ rỗng, cây sẽ chết rất nhanh. Đó là vì toàn bộ con đường vận chuyển chất hữu cơ đã bị cắt đứt, rễ cây không được cung cấp thức ăn sẽ “chết đói”. Khi rễ chết, cành lá không được cấp nước sẽ chết theo. Có một vị thuốc đông y thường dùng, gọi là đỗ trọng. Nếu lấy quá nhiều vỏ cây cùng lúc, kết quả cả thân cây sẽ chết theo.
12. Vì sao chim én bay thấp thì trời mưa?

Vào cuối xuân đầu hạ, khi đi chơi ngoài đồng, nếu thấy chim én bay thành đàn sà thấp xuống mặt đất thì thường sau đó, trời sẽ mưa. Không lẽ chim én có khả năng dự báo thời tiết?

Nguyên nhân là trước lúc trở trời, trong không khí có nhiều hơi nước, đọng vào những bộ cánh mỏng của côn trùng, làm tăng tải trọng, khiến chúng chỉ có thể bay là là sát mặt đất.

Trong số các côn trùng này có loài lớn như chuồn chuồn, nhưng cũng có các loài mối, muỗi nhỏ mà chúng ta không nhìn thấy. Ngoài ra vì áp thấp, ngột ngạt, nên nhiều loài sâu bọ cũng chui lên khỏi mặt đất. Chim én bay xuống thấp chính là để bắt những côn trùng, sâu bọ này. Cho nên, cứ mỗi khi thấy chim én bay thành đàn sà xuống, người ta lại nói rằng trời sắp có mưa.
13. Vì sao các dòng sông uốn khúc quanh co?

Vào lúc bắt đầu hình thành dòng chảy, lòng sông thường không phẳng. Những nơi nước sông chảy qua, vì rất nhiều nguyên nhân, nên tốc độ chảy ở hai bên trái phải không hoàn toàn bằng nhau.

Nơi này bờ sông lở một chút, nơi kia mất một cái cây, nơi khác nữa có thêm dòng nước chảy từ bên ngoài vào…

Những hiện tượng đó đều có thể làm cho tốc độ chảy của sông ở một nơi nào đó nhanh lên hoặc chậm đi. Đồng thời vật chất hai bên bờ cũng khác nhau, có nơi dễ bị phá vỡ, có nơi lại khá rắn chắc. Tất cả những cái đó đã làm cho lòng sông trở thành uốn khúc quanh co.

Một khi đã sinh ra khúc quanh, nó sẽ tiếp tục phát triển. Bởi vì hướng dòng nước là chảy thẳng vào bờ lõm, hơn nữa nước ở tầng trên cũng từ bờ lồi chảy vào bờ lõm, còn nước ở tầng dưới lại từ bờ lõm chảy ngang về phía bờ lồi làm cho bờ lõm bị phá hoại mạnh mẽ. Trong khi đó nước ở bờ lồi lại chảy tương đối chậm, năng lượng yếu. Vì thế ở phía bờ lõm, bùn cát dễ bị cuốn đi, lòng sông tương đối sâu, bờ sông dốc, trở thành nơi lý tưởng cho các bến cảng.

Dưới tác dụng lâu dài của nước sông, bờ lõm do bị không ngừng phá hoại mà ngày càng lõm, bờ lồi vì nước chảy chậm, bùn cát không những bị cuốn đi mà ngược lại còn tích tụ ngày càng nhiều khiến bờ lồi ngày càng lồi thêm. Dòng sông trở nên quanh co.

Khi đáy sông cao hơn mực nước chảy vào sông, nước sông chủ yếu xâm thực xuống dưới, còn khi đáy sông thấp hơn thì nước sông chủ yếu xâm thực vào hai bên. kết quả của sự xâm thực là lòng sông dần rộng thêm ra, dòng sông ngày càng uốn khúc, điểm bắt đầu và điểm kết thúc của một khúc ngày càng gần, thậm chí cuối cùng bị xuyên qua. Ở hai đầu của khúc cong cũ, bùn cát tích đọng càng nhiều, làm cho khúc cong và dòng chảy bị tách rời, cuối cùng hình thành những chiếc hồ hình cánh cung, hay hồ hình móng ngựa (hồ Tây là một điển hình)
14. Vì sao lá trên ngọn rụng cuối cùng?

Ở miền ôn đới, mỗi khi mùa thu đến, cây thay màu lá từ xanh sang vàng, cuối cùng trút nốt chiếc áo này, trần trụi đón mùa đông tới. Nếu chú ý một chút, bạn sẽ thấy lá trên cành chính đổi màu trước tiên, sau đó lan dần đến ngọn cây, ngọn cành. Rụng lá cũng vậy, rụng ở dưới trước, càng lên trên ngọn, lá càng rụng chậm.

Có thể bạn sẽ nói, đó là hiện tượng tự nhiên của giới sinh vật, già trước chết trước. Lá phía dưới ra trước lá đầu cành nên rụng sớm hơn. Đây cũng là một cách giải thích, nhưng còn có cách hiểu sâu hơn.

Trong quá trình sinh trưởng, mọi cây cối đều vươn tới sự phát triển đầy đủ nhất, cho nên nó luôn đưa nhiều thức ăn lên ngọn để tăng nhanh sự sinh trưởng. Ngọn cành do được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên vươn dài mãi ra, khi ấy lá cây cũng mọc dần theo, lá cũng lại phát huy tác dụng tạo ra chất dinh dưỡng. Khi ngọn cây lớn đến một mức độ nhất định, sinh trưởng sẽ chậm dần lại. Lúc này cây rụng lá là do hai điều kiện: Bên trong, việc cung cấp dinh dưỡng bị hạn chế và bên ngoài, điều kiện thời tiết thay đổi theo chiều hướng không có lợi, chức năng tổng hợp thức ăn của lá kém dần, lá không tồn tại được nữa, rơi lả tả.

Nhưng mặc dù vậy, bộ phận ngọn cây vẫn được ưu tiên chăm sóc, thức ăn được cung cấp nhiều nhất, nên dù cây ngừng đưa thức ăn lên ngọn, nhờ vào lượng dự trữ nó vẫn sinh tồn thêm một thời gian. Đồng thời trong lúc đó, chất diệp lục trong lá cây chưa bị phá huỷ, vẫn tổng hợp được một số chất dinh dưỡng. Như vậy, lá trên ngọn cây sẽ rụng muộn hơn ở các bộ phận khác trên cây.
Mục lục
Xem tiếp:  Phần III
  ABOUT ME
→ Xin chào! Tôi là Nguyễn Trương Minh Khuê, học sinh lớp 5C, năm học 2012-2013, trường Tiểu học Sông Cầu!
  CẢNH ĐẸP SÔNG CẦU
  LƯỢT XEM
  VUI CƯỜI
Support : Home | Môn Toán | Tiếng Anh | Môn Văn | Hình ảnh | Kiến thức | Đọc sách | Giải trí
Copyright © 2012. Góc học tập của Khuê - All Rights Reserved
Template Simple_ Powered by Blogger
Proudly powered by rockfan
Xem tốt nhất bằng trình duyệt Mozilla Firefox