Thứ Năm, tháng 10 04, 2012

Những câu hỏi vì sao? - Phần VI

31. Có thể một lúc làm hai việc không?

Sử sách chép lại rằng Napoleon nước Pháp, khi soạn thảo “Bộ luật” nhà nước, cùng một lúc có thể nói đến các điều khoản của luật dân sự, luật hình sự, luật thương mại. 13 người vội vã ghi tốc ký mà vẫn mướt mồ hôi không theo kịp ông. Lẽ nào Napoleon lại có 4 bộ não?

Thực ra, ông ta cũng chỉ có một cái đầu và một bộ óc mà thôi. Cái hơn người của vị hoàng đế này là biết "phân phối chú ý". Nếu xem xiếc, bạn cũng sẽ thấy người diễn viên phải làm việc này khi vừa dùng chân đu đưa bàn đạp để giữ thăng bằng, mà cổ vẫn vươn lên giữ cho chồng bát trên đầu khỏi đổ, trong khi một chân khác lại đá bát tiếp tục chồng cao thêm.

"Phân phối chú ý" là gì: Khi ta chú ý vào một việc, trong đại não sẽ có một trung tâm hưng phấn, còn xung quanh là một số điểm hưng phấn yếu, khiến ta có thể chú ý thêm đôi ba việc khác nữa. Muốn thực hiện phân phối chú ý phải có một điều kiện: trong các hành động phải một hoặc vài hành động đã rất thành thạo, thậm chí đến mức độ tự động hoá.

Chẳng hạn ở người vừa đánh đàn guitar vừa hát. Những người này phải biết chơi guitar đến mức độ nhuần nhuyễn. Khi đó, trung tâm hưng phấn sẽ là hát, đánh guitar chỉ là trung tâm hưng phấn yếu, có nhiệm vụ duy trì mà thôi. Còn người mới tập guitar, trọng tâm hưng phấn là đánh đàn, vì thế không thể hát được đồng thời. Với diễn viên xiếc, sự cân bằng trên xe đạp cao và chồng bát trên đầu đã đạt đến trình độ tự động hoá, vì vậy sức chú ý của diễn viên chỉ còn tập trung vào việc đá bát lên đầu. Đương nhiên, phân phối chú ý thành thạo được như vậy quả là một công phu.

Khi trong đại não xuất hiện một trung tâm hưng phấn rất mạnh, các điểm hưng phấn khác sẽ mất đi. Điều đó có nghĩa là, khi ta lao động trí óc căng thẳng, lại muốn làm một lúc 2-3 việc, sẽ cực kỳ khó khăn. Có bạn cho rằng vừa nghe đài, vừa làm bài sẽ rất hiệu quả. Sự thực, như thế chỉ làm phân tán chú ý mà thôi. Kết quả là học tập sẽ kém hiệu quả.
32. Vì sao cây xấu hổ cụp lá khi có vật đụng vào?

Lá xấu hổ thu lại khi gặp mưa gió
Cây xấu hổ còn được gọi là cây trinh nữ. Khi bị đụng nhẹ, nó lập tức thể hiện ngay sự "e lệ" của mình bằng cách khép những cánh lá lại. Nếu bạn nặng tay, nó sẽ phản ứng cực kỳ mau lẹ. Chừng 10 giây, tất cả các lá đều cụp xuống.

Điều này có liên quan tới "tác dụng sức căng" của lá xấu hổ. Ở cuối cuống lá có một mô tế bào mỏng gọi là bọng lá, bên trong chứa đầy nước. Khi bạn đụng tay vào, lá bị chấn động, nước trong tế bào bọng lá lập tức dồn lên hai bên phía trên. Thế là phần dưới bọng lá xẹp xuống như quả bóng xì hơi, còn phía trên lại như quả bóng bơm căng. Điều đó làm cuống lá sụp xuống, khép lại.

Khi một lá khép lại, nó sẽ đưa tín hiệu kích thích lan rộng đến các lá khác, khiến chúng cũng lần lượt khép lại. Nhưng chỉ ít phút sau, bộ phận dưới bọng lá lại dần đầy nước, lá lại xoè ra nguyên dạng như cũ.

Đặc tính này rất lợi cho sự sinh trưởng của cây, thích nghi với điều kiện tự nhiên. Ở phương nam thường gặp những trận mưa bão lớn, cây xấu hổ thu lá lại khi gặp mưa gió sẽ giúp nó cứu được các lá non
33. Có phải Ngưu-Chức mỗi năm gặp nhau một lần?

Sao Ngưu lang, sao Chức nữ và dải ngân hà
Theo truyền thuyết, hàng năm cứ đến ngày 7/7, Ngưu lang và Chức nữ lại bước qua cầu Ô Thước, bắc qua sông Ngân để gặp nhau. Không rõ họ đi kiểu gì, chứ thực tế, với khoảng cách 16,4 năm ánh sáng, dù Ngưu có phóng Spacy đời mới (100 km/h) cũng phải mất 43 tỷ năm mới gặp vợ!

Vào sẩm tối mùa hè, ta nhìn thấy một sao rất sáng trên bầu trời, đó chính là sao Chức nữ. Bên cạnh có bốn sao nhỏ, nhìn giống bốn chiếc thoi dệt vải. Còn bên kia sông Ngân (dải ngân hà), về phía đông nam có ngôi sao khác hướng về phía Chức nữ - đó là Ngưu lang. Bên cạnh còn có hai sao nhỏ.

Khoảng cách giữa Ngưu lang và Chức nữ đến trái đất cũng rất xa. Sao Ngưu lang cách trái đất 16 năm ánh sáng. Chức nữ còn xa xôi hơn nữa: 23 năm ánh sáng. Vì ở xa như vậy, nên chúng ta chỉ thấy hai thiên thể này như hai chấm sáng nhỏ trên bầu trời.

Thực tế, Ngưu lang và Chức nữ là hai tinh cầu lớn hơn cả mặt trời. Thể tích của Ngưu lang lớn gấp đôi và của Chức nữ gấp... 21 lần mặt trời! Bề mặt Ngưu lang nóng tới 9.000 độ C (mặt trời: 7.000 độ C) và cường độ ánh sáng mạnh gấp 10 lần của mặt trời. Chức nữ còn dữ dội hơn nữa, với nhiệt độ bề mặt cao hơn Ngưu Lang tới 1.000 độ, ta thấy ánh sáng phát ra có màu sáng xanh.
34. Vì sao chó ngủ giấu mõm, mèo ngủ cài tai?

Giấu mõm đi để bảo vệ "bảo bối"
Tư thế ngủ của chó và mèo hoàn toàn khác nhau. Nếu chó thích dấu mõm xuống dưới chân trước, thì mèo ta lại bận bịu cài tai xuống chi trước. Điều này có ích gì với chúng?

Động vật dùng các cơ quan cảm giác như mắt, tai, mũi để nhận biết sự thay đổi của môi trường xung quanh. Đối với sự thay đổi khác nhau, chúng sinh ra các phản ứng khác nhau.

Khứu giác của chó vô cùng nhạy cảm. Trong cuộc sống hàng ngày, chó dùng mũi để phân biệt một số đồ vật, phán đoán tình hình của kẻ địch và phân biệt đường đi. Đối với nó, cái mũi hay cơ quan khứu giác là đặc biệt quý giá, nên lúc ngủ nó giấu mõm và mũi để cảnh giới động tĩnh chung quanh, một khi có tình huống gì đó, dùng ngay mũi để phân biệt hoặc sủa dữ dội để thị uy.

Mèo lại có thính giác đặc biệt nhạy cảm. Hàng ngày, nó dùng tai để nhận biết sự thay đổi ở môi trường xung quanh. Khi bắt chuột, mèo cần đến đôi tai để thăm dò nơi ở của con mồi. Đối với nó, tai lại là vật quý giá nhất. Cho nên lúc ngủ, nó mới giữ tai như “giữ ấn tín” vậy. Tai cài vào chân trước, một mặt gìn giữ tai, mặt khác tai dán trên mặt đất, khi có âm thanh gì đó, nó có biện pháp hành động ngay.

Tuy nhiên, lúc thời tiết nắng ấm hay trong môi trường quá quen thuộc, mèo và chó cũng chẳng cảnh giác cho lắm, chúng ngủ khì trong tư thể duỗi dài thoải mái như thường.
35. Vì sao cây ôn đới rụng lá mùa thu, cây nhiệt đới rụng vào đông?

Lá rụng vì cây không thể cung cấp nước cho nó
Ở miền nhiệt đới, khi thu sang, lá cây vẫn xanh, hoặc chỉ hơi chớm vàng. Nhưng cùng thời điểm đó ở vùng ôn đới, lá đã rụng rào rào, và chỉ mới chớm đông, cây đã trơ trụi kiểu "mất áo". Điều gì khiến chúng trút bỏ bộ cánh của mình sớm như vậy?

Lá cây, ngoài chức năng hô hấp và quang hợp còn thường xuyên để thoát nhiều hơi nước. Lượng mưa mùa thu ở miền ôn đối tương đối thấp. Vì vậy, nguồn nước dự trữ trong lòng đất cũng ít đi. Đồng thời thu sang, nhiệt độ dần dần hạ thấp xuống. Hoạt động hô hấp của rễ vì thế mà yếu đi, cộng với khí hậu khô hanh, khả năng hạn chế thoát hơi nước mặt lá cũng kém hẳn lại. Trong hoàn cảnh đó, lượng nước do cây hút giảm nhiều. Vì vậy, nếu cây vẫn giữ nguyên diện tích thoát hơi nước (chủ yếu là mặt lá) sẽ xảy ra tình trạng "vào ít ra nhiều", vô cùng bất lợi, thậm chí đe dọa tính mạng của cây. Cuối cùng, do lượng nước ít, mạch dẫn trong cuống lá không vận chuyển nước đến nữa, lá cây già đi và khô, cuống lá chỉ bám hờ vào cành. Gió thu thổi tới, lá sẽ trút xuống.

Ở miền nhiệt đới tuy không có mối đe dọa vì giá lạnh, nhưng vẫn có mùa khô và mùa mưa. Vào tháng 11-12, khí hậu rất khô hanh. Tuy vậy, nhiệt độ lúc này vẫn khá cao, khiến lá thoát ra rất nhiều hơi nước. Nếu không trút bớt một phần lá, cây sẽ không thể cung cấp đủ nước cho lá.

Vậy những cây lá xanh bốn mùa như tùng, bách thì sao?

Cây xanh quanh năm vẫn phải rụng lá. Chỉ có điều là tuổi thọ của lá cây tùng bách dài hơn (sống được từ 3 đến 5 năm). Đến xuân, hè, tùng bách lại ra lá mới. Số lá già khô rụng, nhưng không rụng hết cùng lúc mà khô héo dần từng bộ phận, không nhìn kỹ không phát hiện được. Vì thế người ta tưởng chúng không bao giờ rụng lá.

Vậy tại sao tùng bách lại không bị rụng lá trong tiết mùa đông khô lạnh? Đó là vì lá của chúng dày và nhỏ hơn các loài cây khác (lá kim). Bề mặt thoát hơi nước rất nhỏ, đồng thời bên ngoài còn có lớp cutin bảo vệ, vì thế nước khó thoát hơi. Khả năng thoát hơi nước của loại lá này chỉ bằng một vài phần chục các loại cây có lá to khác. Cho nên, lá của nó có thể trụ qua mùa đông.
36. Từ đâu trẻ thích thú nhồi bông?

Gấu bông, bạn chơi ưa thích của trẻ
Gần như là sở thích muôn thủa. Đi cửa hàng, trong vô số đồ chơi bắt mắt, sinh động và kỳ lạ, những con gấu bông, chó bông, thỏ bông... dù bất động, bao giờ cũng là niềm ước mơ thầm kín của trẻ. Chúng có gì đặc biệt mà quyến rũ các em đến thế?

Nhà tâm lý học người Mỹ, ông Harry Frederick Harlow đã thí nghiệm về mặt này. Ông cho chú khỉ con hai người mẹ giả: một mẹ bằng lưới kim loại để trần trụi, nhưng có thể cho khỉ con bú. Một con khác nhồi bông với lớp vỏ bằng nhung, nhưng không biết cho ăn. Khỉ con chọn ai? Trong thí nghiệm, ngoài những lúc cần ăn nó mới đi tìm con mẹ kim loại, còn hầu như mọi lúc mọi nơi nó đều coi chỗ ở của con mẹ nhồi bông là nhà mình, vì tiếp xúc với thú nhồi bông nó cảm thấy sung sướng. Nhất là khi khỉ con bị đe dọa, nó ôm lấy con mẹ nhồi bông coi như chỗ dựa vững chắc cho mình.

"Đói da" và nhu cầu ôm ấp

Thí nghiệm này tuy là trên khỉ, nhưng đối với trẻ em cũng đúng. Nghiên cứu quan sát cho thấy trẻ em thường thích những vật mềm, ấm hơn là những vật cứng và lạnh. Tâm lý học còn cho biết, trẻ em nếu lâu ngày không được ôm ấp vuốt ve để kích thích da, chúng sẽ sinh ra cảm giác “đói da”, gây nên hiện tượng ngứa ngoáy, ngọ nguậy, cáu gắt, thích đập phá.

Ngày nay, con một ngày càng nhiều, cha mẹ phần lớn đều bận công việc, không thể chăm sóc chúng suốt ngày, lại càng ít có dịp vui đùa với con cái, do đó rất nhiều em 5-6 tuổi bị “đói da”. Trong hoàn cảnh đó, thú nhồi bông trở thành người bạn thân thiết nhất của chúng, vì thông qua tiếp xúc da, các em được thoả mãn. Đối với những em cô đơn không có bạn, thú nhồi bông giúp các em loại bỏ được cảm giác này. Các em đặt tên cho thú nhồi bông, chơi với nó và cảm thấy sung sướng. Hiện nay trên thị trường còn có một xu hướng là thú nhồi bông càng to càng bán chạy. Tại sao vậy? Lý do rất đơn giản là thú nhồi bông to diện tích tiếp xúc da càng lớn, càng cảm thấy dễ chịu. Trẻ em có được một con thú nhồi bông gần bằng mình, sẽ cảm thấy như bạn mình, to hơn nữa lại có cảm giác được bảo vệ.

Như thế, thói quen ngủ chung với thú nhồi bông chẳng có hại gì, các vị phụ huynh cũng không nên cấm đoán, chỉ cốt sao giữ cho chúng sạch sẽ là được.
Mục lục
HẾT 
  ABOUT ME
→ Xin chào! Tôi là Nguyễn Trương Minh Khuê, học sinh lớp 5C, năm học 2012-2013, trường Tiểu học Sông Cầu!
  CẢNH ĐẸP SÔNG CẦU
  LƯỢT XEM
  VUI CƯỜI
Support : Home | Môn Toán | Tiếng Anh | Môn Văn | Hình ảnh | Kiến thức | Đọc sách | Giải trí
Copyright © 2012. Góc học tập của Khuê - All Rights Reserved
Template Simple_ Powered by Blogger
Proudly powered by rockfan
Xem tốt nhất bằng trình duyệt Mozilla Firefox